Hồi 64
Khổng Minh dùng mẹo bắt Trương Nhiệm;
Dương Phụ mượn quân phá Mã Siêu
Lại nói, Trương Phi hỏi kế Nghiêm Nhan, Nhan nói:
- Từ đây đến Lạc Thành, bao nhiêu đồn ải quân lính đều thuộc lão phu này cai quản cả. Nay cảm ơn tướng quân, không có gì báo đáp, lão phu xin làm tiền bộ, đi đến đâu, xin gọi hết cả ra hàng.
Trương Phimừng rỡ, cảm tạ.
Bởi thế Nghiêm Nhan đi trước, Trương Phi dẫn đại quân đi sau, đi đến đâu, Nghiêm Nhan gọi tướng giữ ải chỗ ấy ra hàng. Ai còn ngần ngại, thì Nghiêm Nhan bảo rằng:
- Ta còn chịu hàng nữa là ngươi!
Từ đó cứ theo nhau mà hàng thuận, không phải đánh nhau một trận nào.
Lại nói, Khổng Minh báo tin ngày giờ cất quân đi cho Huyền Đức biết, để cùng hội ở Lạc Thành.
Huyền Đức thương nghị với các tướng rằng:
- Khổng Minh, Dực Đức chia làm hai đường vào Xuyên, ước với nhau hội cả ở Lạc Thành cùng vào Thành Đô. Đường thuỷ đường lục khởi hành cả từ hôm 20 tháng bảy, bây giờ cũng đã sắp đến nơi. Chúng ta cũng nên tiến binh thì vừa.
Hoàng Trung nói:
- Trương Nhiệm ngày nào cũng dẫn quân đến đây gọi đánh nhau, quân ta ở trong thành không ra, quân nó tất đã chán nản, không phòng bị cẩn thận như trước nữa. Đêm nay ta nên chia quân ra cướp trại, còn hơn đánh nhau ban ngày.
Huyền Đức nghe lời, sai Hoàng Trung đi phía tả, Nguỵ Diên đi phía hữu, Huyền Đức đi giữa. Canh hai đêm hôm ấy quân mã ba đường nhất tề kéo đi đến trại Trương Nhiệm. Nhiệm quả nhiên không phòng bị gì. Quân Hán đánh vào trại lớn. Lửa đốt cháy lên ngùn ngụt, quân Thục chạy tan hoang cả. Huyền Đức thúc quân đuổi đánh mãi đến Lạc Thành; quân trong thành ra tiếp ứng đón quân Thục vào. Huyền Đức trở về đường giữa đóng trại.
Hôm sau, Huyền Đức dẫn quân đến vây thành. Trương Nhiệm đóng chặt không ra. Mãi đến hôm sau thứ tư. Huyền Đức cầm quân đánh cửa tây, sai Hoàng Trung, Nguỵ Diên đánh cửa đông, còn để hai cửa nam bắc cho quân địch chạy. Nguyên cửa nam toàn là đường núi, cửa bắc có con sông Bồi Thuỷ, cho nên không bao vây được.
Trương Nhiệm trông thấy Huyền Đức cưỡi ngựa đi lại đốc thúc quân sĩ đánh cửa tây, từ giờ thìn đến mãi giờ mùi, sức lực đã mỏi mệt, Nhiệm mới sai Ngô Lan, Lôi Đồng dẫn quân lẻn ra cửa bắc, đi vòng qua cửa đông đón đánh Hoàng Trung, Nguỵ Diên; còn mình thì dẫn quân lẻn ra cửa nam, vòng cửa tây địch Huyền Đức. Bao nhiêu quân dân cho lên cả mặt thành đánh trống hò reo.
Huyền Đức thấy mặt trời đã xế tây, cho hậu quân lui về trước. Quân sĩ vừa chạy về, bỗng nghe tiếng hò reo rầm rĩ, rồi quân mã ở trong cửa nam đổ ra, Trương Nhiệm xông thẳng đến trung quân bắt Huyền Đức. Quân Hán bối rối, Hoàng Trung, Nguỵ Diên lại bị Ngô Lan, Lôi Đồng chặn đánh, hai bên không cứu được nhau.
Huyền Đức không địch nổi Trương Nhiệm, tế ngựa chạy vào đường hẻm hang núi. Trương Nhiệm ra sức đuổi theo, dần dần đuổi kịp. Huyền Đức lúc này chỉ có một người một ngựa ra roi chạy trốn. Bỗng đâu có một toán quân ở mé trước mặt xông đến, Huyền Đức mất vía, ngồi trên ngựa kêu lên rằng:
- Trước mặt có quân phục, sau lưng có quân đuổi theo, thực là trời giết ta đây!
Đang kêu thì có một tướng xồng xộc chạy đến, nhìn xem ai té ra là Trương Phi. Nguyên Trương Phi cùng với Nghiêm Nhan đang đi theo đường này đến Lạc Thành. Phi trông thấy mé trước bụi bay mù mịt, đoán là quân ta đương đánh nhau với quân Xuyên, mới đi mau đến xem làm sao, vừa may gặp Huyền Đức đang bị Trương Nhiệm đuổi theo. Phi tế ngựa lại đánh. Hai tướng giao phong mới độ mười hiệp, Nghiêm Nhan ở mé sau kéo đến. Nhiệm vội vàng quay ngựa về, Phi đuổi mãi đến dưới thành. Nhiệm chạy tót vào thành, kéo cầu treo lên.
Trương Phitrở về nói với Huyền Đức rằng:
- Quân sư đi đường thuỷ đến đây, bây giờ chưa thấy đến, tôi cướp được công đầu rồi!
Huyền Đức hỏi:
- Đường núi hiểm trở như vậy, thế nào chẳng có quân ngăn trở, sao em lại đến được đây mau chóng thế?
Trương Phinói:
- Tôi đi đường qua bốn mươi nhăm chỗ đồn ải, vì có lão tướng là Nghiêm Nhan, cho nên không ai ngăn trở, chẳng tốn một chút công sức nào.
Lại đem chuyện tha Nghiêm Nhan thuật lại cho Huyền Đức nghe, và đưa Nghiêm Nhan vào ra mắt Huyền Đức.
Huyền Đức tạ rằng:
- Nếu không có lão tướng quân, thì em tôi sao có đến được đây?
Bèn cởi ngay áo giáp vàng đang mặc trong mình, thưởng cho Nghiêm Nhan. Nghiêm Nhan lạy tạ.
Vừa sắp mở tiệc yến uống rượu, chợt có tiễu mã về báo rằng:
- Hoàng Trung, Nguỵ Diên, đánh nhau với tướng Xuyên là Ngô Lan, Lôi Đồng; Ngô Ý, Lưu Hội ở trong thành lại dẫn quân ra đánh giúp. Hoàng, Nguỵ, hai tướng thua trận, chạy cả về phía đông.
Trương Phiđược tin, xin với Huyền Đức chia quân ra cứu. Thế rồi, Huyền Đức ở phía hữu, Trương Phi ở phía tả kéo quân ra đánh.
Ngô Ý, Lưu Hội nghe mé sau có tiếng rầm rĩ, hoảng sợ rút ngay vào thành. Ngô Lan, Lôi Đồng mải miết đuổi theo Hoàng Trung và Nguỵ Diên, bị Huyền Đức, Trương Phi chặn mất đường về. Hoàng, Nguỵ hai tướng quay đánh vật lại. Ngô, Lôi biết thế không địch nổi, đem cả quân xin hàng. Huyền Đức cho hàng, đem quân giáp thành hạ trại.
Trương Nhiệm thấy mất hai tướng, trong bụng lo buồn. Ngô Ý, Lưu Hội nói:
- Quân ta thế nguy lắm, không quyết một trận tử chiến, thì làm sao đuổi được quân giặc đi. Vậy phải một mặt đến Thành Đô cầu cứu, một mặt dùng mẹo phá mới xong.
Trương Nhiệm nói:
- Ngày mai tôi dẫn một toán quân ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy quanh về cửa bắc, dử cho quân kia đuổi lại, rồi trong thành dẫn quân ra mà chít lấy đường về, tôi sẽ quay binh lại đánh, thế mới có thể phá được.
Ngô Ý nói:
- Lưu tướng quân giúp công tử giữ thành, tôi dẫn quân ra đánh giúp Trương tướng quân.
Bàn định đâu đấy, hôm sau Trương Nhiệm dẫn vài nghìn quân mã, mở cờ hò reo ra gọi đánh. Trương Phi cưỡi ngựa xông tới, chẳng nói chẳng rằng, cầm mâu đánh nhau với Trương Nhiệm. Chưa được mười hiệp, Trương Nhiệm giả thua chạy vòng quanh thành. Phi cố sức đuổi theo. Ngô Ý dẫn quân ra chặn ngang. Trương Nhiệm dẫn quân quay lại đánh. Phi bị vây ở giữa trận, tiến thoát không được. Đang lúc nguy cấp, bỗng đâu có một đội quân từ bờ sông đánh vào, một viên đại tướng đi trước, tế ngựa cầm giáo giao chiến với Ngô Ý. Chỉ một hiệp, bắt sống ngay Ngô Ý, phá tan quân giặc, cứu được Trương Phi, Phi trông ra xem ai, thì là Triệu Vân.
Phi hỏi:
- Quân sư ở đâu?
Vân đáp:
- Quân sư đã đến, dễ thường bây giờ đã hội nhau với chúa công rồi.
Hai người giải Ngô Ý về trại, Trương Nhiệm lùi vào cửa đông. Trương, Triệu về đến trại, đã thấy Khổng Minh, Giản Ung, Tưởng Uyển, ở cả trong trướng rồi. Phi xuống ngựa vào chào Khổng Minh. Khổng Minh giật mình hỏi rằng:
- Thế nào mà tướng quân đến trước đây thế?
Huyền Đức thuật lại chuyện Trương Phi tha Nghiêm Nhan cho Khổng Minh nghe.
Khổng Minh mừng nói rằng:
- Trương tướng quân mà cũng biết dùng mẹo, đó là hồng phúc của chúa công!
Triệu Vân giải Ngô Ý vào nộp, Huyền Đức hỏi:
- Ngươi có chịu hàng không?
Ngô Ý thưa:
- Tôi đã bị bắt, còn gì nữa mà chẳng hàng.
Huyền Đức mừng lắm, cởi trói ngay cho Ngô Ý.
Khổng Minh hỏi:
- Trong thành còn bao nhiêu tướng tá?
Ngô Ý thưa:
- Chỉ có con Lưu Quý Ngọc là Lưu Tuần, cùng với hai tướng là Lưu Hội, Trương Nhiệm mà thôi. Lưu Hội thì chẳng đáng kể, chỉ có Trương Nhiệm là người ở Thục Quận, can đảm mà lắm mưu lược, không nên coi thường.
Khổng Minh nói:
- Hãy bắt Trương Nhiệm trước, rồi sẽ lấy Lạc Thành.
Lại hỏi rằng:
- Mé đông thành này có một cái cầu, gọi là cầu gì?
Ngô Ý nói:
- Đó là cầu Kim Nhạn.
Khổng Minh cưỡi ngựa đến bên cầu, ngắm xem quanh bờ sông có một lượt rồi trở về trại gọi Hoàng Trung, Nguỵ Diên đến truyền lệnh:
- Cách mé nam cầu Kim Nhạn năm sáu dặm, hai bên lau sậy rậm rạp, nên phục quân ở đó. Nguỵ Diên dẫn một nghìn quân cầm toàn giáo dài phục ở mé tả, chỉ việc đâm người cưỡi trên ngựa, Hoàng Trung dẫn một nghìn quân cầm toàn mã tấu, phục ở mé hữu, chỉ việc chặt chân ngựa. Đánh tan quân giặc thì Trương Nhiệm tất chạy theo đường nhỏ mé đông núi. Trương Dực Đức phục sẵn hai nghìn quân ở đó mà bắt lấy.
Lại sai Triệu Vân phục mé bắc cầu Kim Nhạn, và dặn rằng:
- Đợi khi nào ta dử Trương Nhiệm qua khỏi cầu, ngươi cho phá tan cầu đi, rồi dàn quân ở mé bắc cầu, để cho Trương Nhiệm không dám chạy về bắc, mà rút lui về phía nam, chắc mắc mẹo ta!
Sắp đặt xong, ngay hôm ấy ra trại dụ địch.
Lại nói, Lưu Chương sai Trác Ung, Trương Dực đến giúp Lạc Thành. Trương Nhiệm để Lưu Hội, Trương Dực ở thành giữ nhà còn mình thì cùng với Trác Ung chia làm hai đội. Nhiệm đi trước, Ung đi sau, kéo ra đánh giặc.
Khổng Minh dẫn một toán quân hàng ngũ lộn xộn qua cầu Kim Nhạn, đối trận với Trương Nhiệm. Khổng Minh đầu đội khăn lượt, tay cầm quạt lông, ngồi trên chiếc xe bốn bánh, hai bên hơn một trăm kỵ đi kèm, trỏ sang Trương Nhiệm mà bảo rằng:
- Tào Tháo dẫn trăm vạn quân, nghe thấy tiếng ta đã phải rút chạy. Mày là thằng nào, sao không đầu hàng?
Trương Nhiệm trông thấy quân Khổng Minh không được tề chỉnh, cười mát nói rằng:
- Người ta đồn Gia Cát Lượng dùng binh như thần, nay xem ra, mới biết là hữu danh vô thực!
Nói đoạn Nhiệm giơ giáo vẫy một cái, quân mặt sau kéo ùa cả lên. Khổng Minh liền bỏ xe, lên ngựa chạy về bên kia cầu. Trương Nhiệm dẫn quân đuổi đánh, vừa qua khỏi cầu Kim Nhạn, thì thấy quân Huyền Đức ở mé tả, quân Nghiêm Nhan ở mé hữu, kéo ập cả lại. Nhiệm biết là mắc mẹo, vội vàng rút về, thì cầu đã gãy mất rồi, muốn chạy về mé bắc, lại thấy một toán quân của Triệu Vân án ngữ, mới rẽ ra phía nam, men theo bờ sông mà chạy. Chạy độ năm sáu dặm, bỗng nhiên ở trong bụi lau sậy có hai toán quân của Hoàng Trung, Nguỵ Diên đổ ra, bên thì giáo đâm, bên thì dao chặt, đánh tan tác quân Trương Nhiệm. Nhiệm dẫn vài trăm quân kỵ chạy thoát, trốn vào trong đường núi, lại gặp Trương Phi, Nhiệm toan tháo lui, Phi quát to lên một tiếng, quân sĩ ập cả vào, bắt sống ngay được Trương Nhiệm.
Trác Ung thấy Trương Nhiệm mắc mẹo, đến ngay quân Triệu Vân xin hàng. Vân dẫn cả về trại lớn. Huyền Đức thưởng cho Trác Ung.
Trương Phigiải Trương Nhiệm đến, Khổng Minh cùng ngồi ở trong trướng, Huyền Đức bảo rằng:
- Các tướng trong Thục, theo nhau quy hàng cả, ngươi sao không sớm hàng?
Trương Nhiệm trợn mắt lên quát rằng:
- Trung thần há chịu thờ hai chúa à?
Huyền Đức nói:
- Ngươi không thức thời đấy thôi, hàng thì ta cho khỏi chết.
Nhiệm nói:
- Bây giờ ta hàng, về sau sẽ không hàng, nên giết ta mau!
Huyền Đức ngần ngại không nỡ. Trương Nhiệm thì cứ quát to mãi lên. Khổng Minh sai đem chém cho y được toàn danh tiếng.
Đời sau có thơ than rằng:
Trung liệt há cam thờ hai chủ
Trương quân anh dũng chết lưu danh
Cao sáng khác nào vầng trăng tỏ,
Đêm đêm toả bóng chốn Đô Thành.
Huyền Đức cảm thương Trương Nhiệm lắm, sai thu nhặt thi hài, táng ở cạnh cầu Kim Nhạn để tỏ là người trung tiết.
Hôm sau, sai Nghiêm Nhan, Ngô Ý và cả bọn hàng tướng kéo đến Lạc Thành gọi to lên rằng:
- Mở cửa mà chịu hàng cho mau, chớ để nhân dân trong thành chịu khổ.
Lưu Hội ở trên mặt thành quát mắng ầm ĩ. Nghiêm Nhan sắp rút tên ra bắn, bỗng thấy một tướng ở trên thành rút gươm chém Lưu Hội ngã gục ngay xuống, rồi mở tung cửa thành ra hàng. Quân Huyền Đức vào thành. Lưu Tuần mở cửa Tây chạy thoát về Thành Đô.
Huyền Đức treo bảng yên dân. Người giết Lưu Hội tên là Trương Dực, quê ở Vũ Dương.
Huyền Đức được Lạc Thành, hậu thưởng cho các tướng.
Khổng Minh nói:
- Lạc Thành đã hạ xong, Thành Đô ở ngay trước mắt. Chỉ còn ngại châu quận ở ngoài không được yên ổn, nên sai Trương Dực, Ngô Ý dẫn Triệu Vân ra phủ dụ các châu quận vùng Ngoại Thuỷ, Giang Dương và Kiến Vi, sai Nghiêm Nhan, Trác Ung dẫn Trương Phi ra phủ dụ châu quận vùng Ba Tây, Đức Dương, cắt quan cai trị, cho dân được yên ổn, rồi dẫn quân về để lấy Thành Đô.
Triệu Vân, Trương Phi lĩnh mệnh, người nào đi ngả nấy.
Khổng Minh hỏi:
- Mé trước còn đồn ải nào nữa không?
Các hàng tướng bẩm rằng:
- Chỉ còn một cửa ải Miên Trúc nữa, nếu được nốt cửa ấy, thì Thành Đô như ở trong tay rồi!
Khổng Minh liền bàn việc tiến quân. Pháp Chính nói:
- Lạc Thành bị vỡ, đất Thục nguy lắm rồi. Chúa công muốn lấy nhân nghĩa thu phục dân chúng, xin đừng tiến binh vội, để tôi viết một phong thư, sai người đem đến dâng Lưu Chương, bày tỏ lẽ lợi hại, tự nhiên Chương phải hàng.
Khổng Minh nói:
- Lời Hiếu Trực phải đấy!
Liền sai viết thư, cho người đem đến Thành Đô.
Lưu Tuần trốn về, thuật chuyện lại với cha rằng Lạc Thành đã mất. Lưu Chương vội vàng hội các quan lại bàn bạc.
Có quan tòng sự là Trịnh Độ hiến kế rằng:
- Lưu Bị tuy rằng lấy được thành trì của ta, nhưng quân ít, lòng dân chưa phục, không có lương sẵn, chỉ nhờ thóc lúa ngoài đồng. Chi bằng ta đem hết cả dân Ba Tây, Tử Đồng dời sang vùng phía tây sông Bồi Thuỷ, bao nhiêu kho tàng cùng thóc lúa ngoài đồng, đốt cho sạch nhẵn. Thành cho cao, hào cho sâu mà giữ cho thật vững. Chúng đến đánh, ta không ra. Quân chúng trông cậy vào đâu được, chẳng qua chỉ trăm ngày cạn lương tất phải rút về. Bấy giờ, ta sẽ thừa thế đuổi đánh chắc bắt được Lưu Bị.
Lưu Chương nói:
- Kế ấy không xong! Ta thấy dẹp giặc để cho yên dân, chớ không khi nào làm nhiễu dân để chống với giặc. Kế ấy không phải là kế hay.
Đang bàn việc thì có người mang thư của Pháp Chính đến. Chương cho đòi vào, người ấy trình thư lên. Chương mở ra xem, trong thư nói rằng:
“Khi trước tôi phụng mệnh sang kết hiếu với Lưu hoàng thúc, không ngờ tả hữu chúa công, không ai biết gì, đến nỗi xảy ra sự thế này. Nay hoàng thúc lại nghĩ cái tình cũ họ hàng khi trước. Nếu chúa công chịu hàng ngay đi, tất không bị bạc đãi. Xin nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ, rồi trả lời cho biết”.
Lưu Chương giận lắm, xé thư mắng lớn Pháp Chính là đồ bán chúa cầu vinh, quên ơn trái nghĩa, đuổi sứ giả đi, rồi sai em vợ là Phí Quan dẫn quân ra giữ cửa ải Miên Trúc. Phí Quan lại tiến một người ở Nam Dương tên là Lý Nghiêm, cùng lĩnh quân ra giữ ải, hai người vội vã đi ngay.
Quan thái thú ở Ích Châu tên là Đổng Hoà, tự là Ấu Tể, quê ở Chi Giang thuộc Nam Quận xin sang Hán Trung mượn thêm quân. Chương nói:
- Trương Lỗ thâm thù với ta, sao chịu cho quân sang cứu?
Hoà nói:
- Tuy rằng có thù với ta, nhưng quân Lưu Bị ở Lạc Thành, thế ta nguy cấp lắm. Ta mà nguy thì Hán Trung cũng phải nguy, khác nào môi hở thì răng phải lạnh. Nếu nói rõ lợi hại, tất Lỗ cũng phải nghe theo.
Chương bèn viết thư sai người sang Hán Trung cầu cứu.
Nay nói Mã Siêu, từ khi thua trận, chạy trốn vào rợ Khương, đã hơn hai năm, kết hiếu với người rợ Khương, đánh chiếm các châu quân vùng Lũng Tây, đi đến đâu ai cũng phục, chỉ còn Ký Châu, đánh mãi không hạ được.
Quan thái thú là Vi Khang thường sai người đến chỗ Hạ Hầu Uyên cầu cứu. Uyên chưa được lệnh Tào Tháo, chưa dám động binh. Vi Khang chờ mãi không được, bàn với chúng ra hàng Mã Siêu. Quan tham quân là Dương Phụ khóc mà can rằng:
- Mã Siêu là phản tặc, không nên hàng!
Khang nói:
- Sự thể đã đến đây này, chẳng hàng còn đợi đến bao giờ nữa?
Phụ cố can mãi, Khang không nghe, mở tung cửa thành ra hàng.
Siêu giận lắm, nói rằng:
- Nay sự thể đã nguy cấp lắm mi mới chịu hàng, không phải là thực bụng.
Bèn bắt cả nhà Vi Khang hơn bốn mươi người giết sạch.
Có người nói:
- Dương Phụ khuyên Vi Khang đừng hàng, nên bắt mà chém đi!
Siêu nói:
- Người ấy khuyên thế là biết giữ nghĩa, không nên giết.
Lại dùng Dương Phụ làm tham quân, Phụ tiến cử Lương Khoan, Triệu Cù. Siêu cũng dùng cho làm tướng cả.
Dương Phụ nói với Mã Siêu rằng:
- Vợ tôi mới mất ở Lâm Thao, xin nghỉ hai tháng, về lo liệu việc tang, xong việc sẽ xin lại đến.
Mã Siêu cho về.
Phụ về qua huyện Lịch Thành, vào chơi quan phủ di tướng quân là Khương Tự. Khương Tự với Phụ là anh em con cô con cậu. Mẹ Khương Tự là cô ruột Phụ, bấy giờ đã tám mươi hai tuổi. Phụ vào lạy cô, nói:
- Cháu coi thành mà không giữ nổi, chủ chết mà không chết theo, xấu hổ không mặt nào dám trông thấy cô nữa. Hiện nay Mã Siêu làm phản, giết mất quan thái thú, sĩ dân ai ai cũng oán. Thế mà anh cháu cứ ngồi giữ Lịch Thành, không tưởng gì đến đánh giặc, đạo làm tôi con đâu có thế được.
Nói xong, khóc chảy máu mắt.
Mẹ Khương Tự gọi con vào trách mắng rằng:
- Vi sứ quân bị hại, cũng là lỗi tại mày!
Lại bảo với Phụ rằng:
- Mày đã hàng người ta, ăn lộc của người ta rồi cớ sao lại manh tâm làm phản người ta?
Phụ nói:
- Cô ơi! Cháu hàng giặc là muốn lưu cái thân lại để báo thù cho chủ, chớ sao có chịu hàng giặc!
Tự nói rằng:
- Mã Siêu khoẻ lắm, khó lòng đánh nổi được!
Phụ nói:
- Siêu tuy khoẻ, nhưng không có mưu, đánh dễ như không. Tôi đã ước Lương Khoan, Triệu Cù, nếu anh khởi quân thì hai người ấy xin làm nội ứng.
Mẹ Khương Tự bảo con rằng:
- Mày không sớm liệu, còn đợi bao giờ? Ai mà chẳng chết, chết về trung nghĩa, thì chết cũng vinh. Mày đừng nghĩ ngợi về tao nữa. Nếu mày không nghe lời cháu tao, thì tao thà rằng thắt cổ mà chết ngay đi, kẻo để vướng víu bụng mày.
Tự thấy mẹ nói vậy, bèn bàn với quan thống quân hiệu uý là Doãn Phụng, Triệu Ngang. Triệu Ngang có con là Triệu Nguyệt, hiện đang làm tỳ tướng Mã Siêu. Khi ấy Ngang vâng lời, về bàn với vợ là Vương thị rằng:
- Hôm nay ta bàn nhau với Khương Tự. Dương Phụ, Doãn Phụng, muốn cất quân đánh báo thù cho Vi Khang. Nhưng con ta đang đi theo với Mã Siêu, nếu ta khởi quân, Mã Siêu giết con ta trước, thì làm thế nào bây giờ?
Vương Thị quát lên mắng rằng:
- Báo thù cho chủ, thân còn chẳng quản, huống chi là con? Nếu chỉ biết vì con mà bỏ việc nghĩa, thiếp xin chết trước đi cho rảnh!
Lúc ấy Triệu Ngang mới quyết.
Hôm sau, Khương Tự, Dương Phụ cất quân đóng ở Lịch Thành, Doãn Phụng, Triệu Ngang cất quân đóng ở Kỳ Sơn. Vương thị đem hết cả đồ tư trang và tiền lụa theo chồng ra Kỳ Sơn, thưởng cho quân sĩ để khuyến khích.
Mã Siêu nghe Khương Tự, Dương Phụ cùng Doãn Phụng, Triệu Ngang cất quân đi giận lắm, bắt ngay Triệu Nguyệt đem chém. Rồi dẫn Bàng Đức, Mã Đại cất quân đến đánh Lịch Thành. Khương Tự, Dương Phụ dẫn quân ra thành trận, hai người mặc bào trắng, cưỡi ngựa ra quát mắng rằng:
- Quân phản tặc bất nghĩa kia!
Mã Siêu giận quá, xông thẳng ngay vào đánh. Dương Phụ, Khương Tự địch làm sao nổi Mã Siêu, thua to ù té chạy cả. Siêu thúc quân đuổi đánh. Bỗng đâu mặt sau, tiếng reo ầm ĩ, quân của Triệu Ngang, Doãn Phụng kéo đến. Siêu vội vàng quay lại chống mặt sau. Hai bên mới đổ dồn vào đánh quân Mã Siêu. Bỗng lại có một đạo quân kéo ập đến đánh. Toán quân ấy, nguyên là Hạ Hầu Uyên vừa được lệnh của Tào Tháo sai đến phá Mã Siêu. Siêu chống đỡ không nổi được ba mặt, thua chạy suốt cả đêm đến sáng mới về được Ký Thành.
Khi Siêu về đến thành gọi cửa, thì trên mặt thành bắn xuống như mưa. Lương Khoan, Triệu Cù đứng trên mặt thành quát mắng, lại bắt vợ Mã Siêu là Dương thị và ba đứa con nhỏ, chém chết quăng thây xuống.
Siêu tức uất lên, suýt nữa ngã ngựa. Mé sau lại có Hạ Hầu Uyên đuổi đến, Siêu không dám ham đánh nhau, dẫn Bàng Đức, Mã Đại đánh mở một lối mà chạy. Trước mặt lại gặp Dương Phụ, Khương Tự chặn đường. Mã Siêu xông xáo chạy được thoát. Lại gặp phải Doãn Phụng, Triệu Ngang đánh một trận nữa, quân sĩ tan nát, lẻ tẻ chỉ còn độ năm sáu mươi quân kỵ. Chạy mãi đến canh tư, về đến Lịch Thành. Quân giữ thành tưởng là quân Khương Tự kéo về, mở cửa thành ra tiếp vào. Siêu vào thành, giết từ cửa nam giết đi, nhân dân trong thành sạch nhẵn. Khi đến nhà Khương Tự, bắt mẹ già Tự ra. Bà không hãi chút nào, trỏ vào mặt Mã Siêu mà mắng. Siêu giận lắm, rút gươm chém luôn. Lại bắt tuốt già trẻ cả nhà Khương Tự, Doãn Phụng, Triệu Ngang giết sạch. Chỉ có vợ Triệu Ngang là Vương thị theo chồng đi đánh giặc được thoát.
Hôm sau, Hạ Hầu Uyên kéo quân đến Lịch Thành. Mã Siêu phải bỏ thành chạy về phía tây. Đi chưa được hai mươi dặm lại gặp Dương Phụ chặn đường. Siêu nghiến răng xông vào đánh. Phụ có bảy anh em cùng xúm vào địch Mã Siêu, Siêu giết cả bảy người, Dương Phụ phải năm vết đâm, vẫn lăn xả vào mà đánh. Mã Đại, Bàng Đức thì chặn ở mé sau. Hạ Hầu Uyên vừa đuổi đến nơi, Siêu lại chạy, chỉ còn Bàng Đức, Mã Đại và năm sáu tên kỵ mã đi theo.
Hạ Hầu Uyên phủ dụ nhân dân các xứ Lũng Tây, sai bọn Khương Tự chia nhau ra giữ các nơi, rồi đem Dương Phụ về Hứa Đô ra mắt Tào Tháo. Tháo phong cho Phụ làm quan nội hầu.
Phụ từ chối nói:
- Tôi không có công trừ tai nạn, lại không dám chết vì nghĩa, tội đáng chém đầu, còn mặt mũi nào nhận chức nữa?
Tháo khen ngợi phong tước cho.
Mã Siêu, Bàng Đức, Mã Đại sang Hán Trung theo Trương Lỗ, Lỗ được Mã Siêu mừng lắm, cho rằng phía tây có thể thôn tính được Ích Châu, phía đông có thể chống chọi với Tào Tháo, liền bàn việc gả con gái cho Siêu. Đại tướng là Dương Bách can rằng:
- Vợ con Mã Siêu gặp phải thảm hoạ, cũng là bởi tự Mã Siêu cả. Chúa công sao lại gả con gái cho y?
Lỗ nghe lời ấy mới thôi. Có người đem lời Dương Bách nói với Mã Siêu. Siêu giận lắm, có ý muốn giết Dương Bách. Bách biết, bàn nhau với anh là Dương Tùng, cũng có ý muốn trừ Mã Siêu.
Khi ấy Lưu Chương sai sứ đến Trương Lỗ cầu cứu. Lỗ không nghe. Chương lại sai Hoàng Quyền đến cầu cứu. Quyền vào ra mắt Dương Tùng trước, nói rằng:
- Đông và Tây, ví như môi răng với nhau. Nếu mà Tây Xuyên vỡ thì Đông Xuyên cũng khó giữ. Quý quốc bằng có lòng đến cứu, xin dâng hai mươi châu cảm ơn.
Tùng mừng lắm, dẫn Hoàng Quyền vào ra mắt Trương Lỗ bày tỏ điều lợi hại và xin dâng hai mươi châu. Lỗ hám lợi, nghe xong muốn cất quân sang cứu.
Diêm Phố can rằng:
- Lưu Chương có thù với chúa công, nay việc cấp phải đến cầu cứu, mới nói thác ra xin nộp đất, đó là lời lừa dối, chúa công chớ nên nghe.
Bỗng ở dưới thềm, có người tiến lên nói rằng:
- Tôi tuy bất tài, xin lĩnh một đội quân sang bắt sống Lưu Bị, và bắt Lưu Chương phải cắt đất rồi mới về.
Đó là:
Chân chúa sắp vào Tây Thục ở,
Tinh binh lại tự Hán Trung sang.
Chưa biết người xin đi là ai, xem qua hồi sau mới rõ.