越南语学习网
《三国演义》第七十八回
日期:2011-08-25 19:56  点击:520

Hồi 78

Chữa bệnh nhức đầu, hại thân thầy thuốc;
Giối gi
ăn truyền lại, hết số gian hùng

 

Hán Trung vương nghe tin cha con Quan Công bị hại, khóc lăn xuống đất. Các quan vội vàng cứu dậy, nửa giờ mới tỉnh, vội vàng vực vào nội điện.

Khổng Minh khuyên rằng:

- Chúa thượng chớ nên phiền não lắm. Tự xưa có câu: “Tử sinh hữu mệnh”. Quan Công xưa nay tính cương quá mà hay cậy mình khoẻ, nên mới có vạ này. Chúa thượng nên giữ gìn tôn thể, thong thả sẽ lo toan việc báo thù.

Hán Trung vương nói:

- Cô kết nghĩa với Quan, Trương hai em ở vườn đào, thề cùng sống thác với nhau. Nay Vân Trường chẳng may bị hại, cô sao hưởng phú quý một mình được!

Nói chưa dứt lời, đã thấy Quan Hưng khóc lóc thảm thiết đi vào. Hán Trung vương thấy vậy, hét lên một tiếng, rồi lại ngất lăn xuống đất. Các quan cứu tỉnh dậy. Một ngày hôm ấy. Huyền Đức khóc ngất đi bốn năm dạo.

Trong ba hôm, Huyền Đức không ăn uống một tí gì, chỉ khóc sướt mướt, vạt áo lúc nào cũng ướt đầm đìa, nước mắt đỏ như huyết.

Khổng Minh và các quan tìm mọi cách khuyên giải.

Huyền Đức nói:

- Cô với Đông Ngô, thề không soi chung một mặt trời, mặt trăng!

Khổng Minh nói:

- Tôi nghe Đông Ngô đem đầu Quan Công nộp cho Tào Tháo, Tháo đã dùng lễ vương hậu táng cho ông ấy.

Huyền Đức nói:

- Thế là ý làm sao?

Khổng Minh nói:

- Đó là Đông Ngô muốn đổ vạ cho Tào Tháo. Tháo biết mưu ấy nên dùng hậu lễ táng cho Quan Công, để chúa thượng oán về Đông Ngô.

Huyền Đức nói:

- Cô nay lập tức đề binh sang hỏi tội nước Ngô, để rửa hờn đây.

Khổng Minh can rằng:

- Không nên! Hiện nay Ngô muốn ta đánh Nguỵ, Nguỵ cũng mong ta đánh Ngô. Bên nào cũng mang lòng bất trắc, chực ta hở cơ là chộp. Chúa thượng nên đóng quân lại, không động vội, hãy phát tang cho Quan Công, đợi khi nào Ngô, Nguỵ không hoà với nhau, sẽ thừa cơ đánh cả hai nước nhân thể!

Các quan cùng năn nỉ can ngăn mãi, Hán Trung vương bấy giờ mới nguôi dạ một chút, liền truyền cho các tướng sĩ trong Xuyên để tang Quan Công. Hán Trung vương ra tại cửa nam, bày đồ cúng tế, làm lễ chiêu hồn, khóc lóc cả ngày.

Nói về Tào Tháo ở Lạc Dương, từ khi táng xong Quan Công, mỗi đêm hễ nhắm mắt là thấy Quan Công. Tháo sợ hãi quá, hỏi các quan.

Các quan nói:

- Cung điện ở Lạc Dương nhiều yêu quái lắm, nên lập một toà cung điện mới mà ở.

Tháo nói:

- Cô muốn dựng một toà điện mới, gọi là điện Kiến Thuỷ, bực vì không có thợ khéo.

Giả Hủ thưa:

- Ở Lạc Dương có người thợ tên là Tô Việt, khéo tay khéo chân lắm.

Tháo sai đòi đến, bắt vẽ kiểu trước để xem. Việt vẽ kiểu một toà điện to chín gian, trước sau có đủ cả hành lang, lầu các. Vẽ xong dâng lên, Tháo xem xong nói:

- Kiểu này thật hợp ý cô lắm, nhưng chỉ ngại không có gỗ nào to mà làm cho xứng!

Tô Việt thưa:

- Cách thành này ba mươi dặm, có một cái đầm gọi là Dược Lâm. Cạnh chùa có một cây gỗ lê cực to, cao hơn mười trượng, nên dùng làm nóc điện này.

Tháo mừng lắm, lập tức sai thợ đến đẵn cây ấy.

Hôm sau thợ về báo rằng:

- Cây ấy cưa không đứt, búa bổ cũng không vào, không sao đẵn được.

Tháo không tin, dẫn vài trăm kỵ đến trước cửa đền, xuống ngựa, ngẩng mặt lên xem thấy cây lá xum xuê sát đến mây xanh, thẳng tuột không có một chà chạnh nào. Tháo sai chặt xuống. Có mấy ông cụ già lại kêu rằng:

- Cây này đã mấy trăm năm nay, có thần thiêng lắm, không chặt được đâu.

Tháo nổi giận mắng rằng:

- Ta bình sinh trải dưới khắp gầm trời hơn bốn mươi năm nay, trên từ thiên tử, dưới đến thứ dân, ai cũng phải sợ, yêu thần nào dám trái ý ta?

Nói xong, liền rút gươm ra chặt mấy nhát, thì thấy có tiếng kêu sang sảng, máu chảy ròng ròng ở thân cây.

Tháo sợ hãi, quẳng gươm lên ngựa, về cung.

Canh hai đêm hôm ấy, Tháo nằm không yên, đương ngồi ở trong điện ngả mình xuống ghế ngủ gà, bỗng thấy một người xoã tóc, tay cầm thanh kiếm, mình mặc áo thâm, đến trỏ vào mặt thét mắng rằng:

- Ta là thần ở cây gỗ lê đây! Mày làm đền Kiến Thuỷ, sắp muốn cướp ngôi nhà Hán, dám đến chặt cây thần của ta! Ta biết số mày sắp hết, nên đến giết mày đây!

Tháo giật mình vội hô lớn:

- Võ sĩ đâu cả, chúng bay?

Tháo kêu chưa dứt lời, người ấy cầm gươm toan chém Tháo một nhát. Tháo hét to một tiếng, giật mình tỉnh dậy, thấy đầu nhức như búa bổ, không sao chịu được.

Tháo sai đi cầu những danh y về chữa, cũng không thấy khỏi. Các quan đều lo lắng.

Hoa Hâmvào tâu rằng:

- Đại vương có biết thần y Hoa Đà không?

Tháo hỏi:

- Có phải người chữa cho Chu Thái ở Giang Đông chăng?

Hâm nói:

- Chính phải!

Tháo nói:

- Người ấy thì cô cũng nghe tiếng, nhưng chưa biết nghề nghiệp hắn ra làm sao?

Hâm thưa:

- Hoa Đà tên tự là Nguyên Hoá, người ở Tiêu Quận, nước Bài, nghề thuốc cực tài, trong đời hiếm có. Phàm những người nào có bệnh hoặc dùng thuốc, hoặc mổ hoặc chích, hơi động tay vào là khỏi. Nếu ai đau ở phủ tạng thì cho uống thuốc thang ma phế, để cho người ốm say mê đi như chết, lấy dao mổ bụng ra, không đau đớn chút nào, dùng thuốc rửa sạch rồi khâu lại, dịt thuốc vào, chỉ một tháng hoặc hai mươi ngày thì khoẻ như thường. Đà chữa bệnh gì cũng tài tình như thế.

Một bữa, Đà đi ngoài đường, nghe có tiếng người rên khừ khừ. Đà nói: “Đây là bệnh ăn uống không tiêu đây!” Hỏi ra thì quả nhiên như thế. Đà sai vắt ba bát nước hẹ cho uống. Người ấy uống xong, thổ ra một con rắn dài hai ba thước, bấy giờ ăn uống mới tiêu.

Quan thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng, trong bụng buồn bã khó chịu, ngoài mặt thì đỏ như gấc, không ăn uống gì được, mời Đà đến xem bệnh. Đà cho uống thuốc, Đăng thổ ra ba đấu trùng, con nào cũng đỏ đầu, mà đầu đuôi cựa quậy được. Đăng hỏi, Đà bảo rằng: “Bệnh này là ăn nhiều cá gỏi, cho nên sinh ra lắm trùng, tuy chữa khỏi được bây giờ, nhưng ba năm nữa tất nhiên lại phát, không sao chữa được nữa”. Sau ba năm, Đăng quả nhiên lại sinh bệnh ấy rồi chết.

Lại có một người trên lông mày có một cái bướu, ngứa quá khó chịu, mời Đà xem. Đà nói: “Trong cái bướu ấy có một vật biết bay!” Thấy nói thế ai cũng cười. Đà lấy dao mổ xem, quả nhiên một con chim sẻ vàng bay ra. Người ấy khỏi bệnh.

Lại có một người bị chó cắn vào chân, chỗ đau mọc lên hai khối thịt, bên thì buốt, bên thì ngứa, không sao chịu được. Đà xem bệnh bảo rằng: “Bên buốt, ở trong có mười cái kim, bên ngứa, ở trong có hai con cờ, một con đen, một con trắng”. Mọi người không tin, Đà mổ ra, quả nhiên có thực.

Người ấy giỏi thuốc chẳng khác gì Biển Thước, Sương Công khi xưa. Hiện nay người ấy ở kinh thành, sao đại vương không cho triệu đến?

Tháo mừng lắm, lập tức sai người đi mời Hoa Đà về bắt mạch coi bệnh.

Đà nói:

- Đại vương nhức đầu vì nhiễm phải gió độc, bệnh ở trong óc, không thoát ra được, uống thuốc cũng uổng mà thôi. Tôi có một phép này: Trước hết uống thang ma phế, rồi lấy búa mổ óc ra, nạo hết rãi gió độc đi thì mới triệt hết được nọc bệnh.

Tháo giận mắng rằng:

- Ngươi muốn giết ta sao?

Đà nói:

- Đại vương có biết chuyện Vân Trường không? Cánh tay phải ông ấy bị trúng tên thuốc độc, tôi cạo xương chữa thuốc, mà ông ấy không sợ hãi chút nào. Nay bệnh đại vương mới một tí, việc gì phải đa nghi làm vậy?

Tháo nói:

- Cánh tay đau còn cạo được. Chứ đầu óc bổ ra sao được? Ngươi quen với Vân Trường, muốn nhân dịp này báo thù cho hắn chăng?

Liền hô tả hữu bắt Hoa Đà bỏ ngục để tra hỏi.

Giả Hủ can rằng:

- Người giỏi thuốc thế này trên đời ít có, xin đừng giết mà hoài!

Tháo nói:

- Thằng này muốn thừa cơ hại ta, cũng chẳng khác gì Cát Bình khi trước!

Nói xong kíp sai tra khảo.

Đà ngồi trong ngục, có một người lính canh ngục, họ Ngô, gọi là Ngô áp ngục. Người này ngày nào cũng mang cơm rượu cung phụng Hoa Đà. Đà cảm cái ân ấy bảo rằng:

- Nay tôi sắp chết, hiềm vì có một quyển sách thanh nang, chưa truyền ra đến ngoài, nay cảm cái bụng tử tế của ông, không biết lấy gì báo được, vậy tôi viết bức thư này, ông đem về nhà tôi, lấy quyển sách ấy lại đây, tôi xin tặng ông, để ông nối nghiệp này cho tôi.

Ngô áp ngục mừng hớn hở nói:

- Nếu được quyển sách ấy, thì tôi bỏ phăng cái nghề này, về làm thuốc chữa cho thiên hạ, để truyền cái đức của tiên sinh.

Đà liền viết thư giao cho Ngô. Ngô đến tận Kim Thành hỏi vợ Hoa Đà, lấy được quyển thanh nang đem về. Đà kiểm lại đâu đấy, rồi tặng cho Ngô. Ngô mừng lắm, đem về nhà cất kín một chỗ.

Được mười ngày Hoa Đà chết ở trong ngục. Ngô mua áo quan khâm liệm chôn cất tử tế, rồi bỏ việc, về nhà định lấy sách ra học thì thấy vợ đang đốt quyển sách ấy, Ngô giật mình, vội vàng chạy lại giằng ra, thì sách đã cháy gần hết, chỉ còn sót lại một vài trang.

Ngô giận quá, chửi mắng vợ. Vợ nói:

- Phỏng có học giỏi được như Hoa Đà, cũng chẳng qua chết rũ ở trong ngục, cần gì quyển sách ấy cho lắm!

Ngô chép mồm chép miệng một hồi rồi cũng im. Bởi thế quyển thanh nang không truyền ra đời, chỉ còn sót một vài trang chữa những thuật nhỏ, như thiến gà, thiến lợn mà thôi.

Người sau có thơ rằng:

Hoa Đàthuốc thánh thuật sao tài?
Coi bệnh trông qua thấu tạng người.
Người mất tiếc thay thư cũng mất,
Thanh nang
đâu để lại trên đời.

Từ khi Tào Tháo giết Hoa Đà xong, thì bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Tháo lại phải lo thêm việc Ngô, Thục nữa.

Đang lo nghĩ, chợt có sứ giả ở Đông Ngô mang thư đến.

Tháo mở ra xem, trong thư nói rằng:

“Thần là Tôn Quyền, biết thiên mệnh về chúa thượng đã lâu. Vậy xin chúa thượng lên ngay ngôi hoàng đế cho sớm, mà sai tướng ra đánh Lưu Bị, để quét sạch hai Xuyên đi, Thần xin mang văn võ, nộp đất theo hàng ngay lập tức”.

Tháo xem xong, cười lớn, giơ thư ra bảo quần thần rằng:

- Thằng này muốn để cho ta ngồi trên lò lửa đây!

Thị trung là Trần Quần tâu rằng:

- Nhà Hán lâu nay suy yếu lắm. Công đức của điện hạ cao vòi vọi, nhân dân ai cũng trông vào cả. Nay Tôn Quyền đã xưng thần xin hàng, thì biết rằng lòng trời và bụng người đều theo về với điện hạ rồi, điện hạ nên ưng ý trời, thuận lòng người, lên ngôi tôn cho sớm.

Tháo cười, nói:

- Cô thờ nhà Hán đã lâu, tuy có công đức với dân, nhưng cô làm đến vương tước, danh vị cũng đã cực phẩm rồi, còn mong gì nữa? Nếu mệnh trời ở cô, thì cô cũng chỉ làm như vua Văn vương nhà Chu mà thôi!

Tư Mã Ý nói:

- Nay Tôn Quyền đã xưng thần chịu hàng, chúa thượng nên phong quan tước cho hắn và sai đi đánh Lưu Bị.

Tháo nghe lời tâu, phong cho Tôn Quyền làm Phiêu kỵ tướng quân, hầu Nam Xương lĩnh chức mục ở Kinh Châu.

Bệnh Tháo mỗi ngày một nặng thêm. Một đêm Tháo nằm mê thấy ba con ngựa cùng ăn chung một máng cỏ. Sáng dậy, Tháo hỏi Giả Hủ rằng:

- Cô khi trước đã mơ thấy ba con ngựa cùng ăn một máng, nghi là cha con Mã Đằng làm hại. Nay Mã Đằng chết rồi, đêm qua lại mơ thấy thế, hay dở ra làm sao?

Hủ thưa:

- Lộc mã cũng là điềm hay, lộc mã về nhà Tào, chúa thượng can gì phải nghi?

Tháo bởi thế không nghĩ gì nữa.

Người sau có thơ rằng:

Lạ thay! Giấc mộng ngựa cùng tàu,
Điềm ứng rành rành Tấn nối Tào.
Tào Tháo gian hùng sao ấy nhỉ,
Ngựa ngay trước mắt, mắt trông
đâu?

Đêm ấy Tháo nằm nhà trong đến canh ba, đầu óc choáng váng, tinh thần bàng hoàng. Bỗng nghe ở trong điện, có tiếng sàn sạt như xé vải. Tháo sợ trông xem thì thấy Phục hoàng hậu, Đổng quý nhân cùng bọn Đổng Thừa, Phục Hoàn, hơn hai mươi người, mình mẩy máu me, đứng thập thò trong đám mây đen, văng vẳng có tiếng đòi mạng. Tháo giật mình, vội vàng rút gươm quăng lên, thì thấy nổ ầm một tiếng, sạt mất một góc điện mé tây nam. Tháo khiếp quá ngã sấp xuống đất, quân hầu cận vào cứu, vực sang cung khác dưỡng bệnh.

Đêm hôm sau, Tháo lại nghe ở ngoài điện, tiếng trai gái kêu khóc như ri. Đến sáng, Tháo triệu quần thần vào cung bảo rằng:

- Cô xông pha trận mạc hơn ba mươi năm, chưa từng tin việc ma quỷ, nay làm sao lại có chuyện thế này?

Quần thần tâu rằng:

- Đại vương nên sai thần phù thuỷ, lập đàn cúng lễ để trừ ma quỷ đi.

Tháo chép miệng, than rằng:

- Thánh nhân đã nói: “Bị tội với trời, dẫu cúng cũng vô ích!” Cô nay số mệnh đã hết, còn cúng làm sao?

Nói rồi, không cho cúng cấp nữa.

Hôm sau, Tháo nghe trong mình khí bốc lên quáng cả mắt, không trông thấy gì cả. Kíp sai đòi Hạ Hầu Đôn đến bàn bạc, Đôn đến trước cửa điện, bỗng trông thấy Phục hoàng hậu, Đổng quý nhân, hai hoàng tử, và bọn Phục Hoàng, Đổng Thừa, đứng cả ở trong đám mây mù. Đôn giật mình, ngã quay xuống đất. Tả hữu vực dậy đem ra, từ bấy giờ mắc bệnh.

Tháo đòi bọn Tào Hồng, Trần Quần, Giả Hủ, Tư Mã Ý, cùng đến cả trước chỗ giường nằm, dặn dò việc mai sau.

Bọn Tào Hồng cúi xuống tâu rằng:

- Đại vương nên giữ gìn ngọc thể, chẳng mấy bữa nữa chắc khỏi.

Tháo nói:

- Cô tung hoành trong thiên hạ hơn ba mươi năm, bao nhiêu kẻ cường bạo trừ được sạch cả rồi, chỉ còn Tôn Quyền ở Giang Đông, Lưu Bị ở Tây Thục. Nay bệnh cô đã nguy lắm, không bàn được nhiều nữa, chỉ đem việc nhà nhờ cậy các ngươi mà thôi: Con trưởng cô là Tào Ngang do Lưu thị sinh ra, chẳng may mất sớm ở Uyển Thành, Biện thị sinh được bốn con: Phi, Chương, Thực, Hùng. Cô xưa nay vẫn yêu con thứ ba là Thực, nhưng nó hay huênh hoang, không được thực thà, lại ngông nghênh chè rượu, cho nên cô không lập làm thế tử. Thằng thứ hai là Chương, thì có khoẻ mà chẳng có khôn, thằng thứ tư là Hùng thì lắm bệnh khó thọ. Chỉ con trưởng là Phi có bụng thành thực, kính cẩn, có thể nối nghiệp cô. Các ngươi nên giúp đỡ cho nó.

Bọn Tào Hồng ứa nước mắt, vâng lệnh.

Tháo sai bọn hầu cận đem những hương quý báu của mình cất giấu xưa nay, chia cho các nàng hầu và dặn rằng:

- Sau khi ta mất rồi, chúng bay phải siêng năng nghề nữ công, thêu cho nhiều giày tơ, bán lấy tiền mà tiêu.

Lại sai những tì thiếp ở trong đền Đồng Tước, mỗi ngày đặt đồ tế, phải có nhà trò đánh nhạc dâng đồ ăn.

Lại sai đắp bảy mươi hai cái mả bỏ không ở ngoài thành Giảng Võ, phủ Chương Đức, để cho người ta không biết mả mình táng ở chỗ nào, có ý sợ bị đào mất mả.

Tháo dặn xong các việc, thở dài một tiếng, nước mắt tuôn ra như mưa, một lát tắt hơi, thọ được sáu mươi sáu tuổi. Bấy giờ là tháng giêng năm Tý, niên hiệu Kiến An thứ hai mươi lăm.

Tào Tháo mất, văn võ bá quan một mặt làm lễ cử ai, một mặt sai người báo tin cho thế tử Tào Phi, Yển Lăng hầu Tào Chương, Lâm Chi hầu Tào Thực, Tiêu Hoài hầu Tào Hùng. Các quan dùng quan vàng, quách bạc, khâm liệm cho Tào Tháo, rồi rước ngay linh cữu về Nghiệp Quận.

Tào Phi nghe tin cha mất, khóc ầm lên, đem quan viên lớn nhỏ ra khỏi thành mười dặm, phục bên cạnh đường, đón rước linh cữu vào, đặt ở thiên điện. Trăm quan mặc đồ tang xúm quanh khóc lóc.

Quan trung thứ sử là Tư Mã Phu bước ra nói:

- Xin thế tử đừng khóc nữa, để bàn việc lớn đã! Nay Nguỵ vương mới mất, thiên hạ chấn động, phải lập ngay tự vương lên, để yên bụng chúng mới được, sao lại khóc lóc làm gì?

Quần thần nói:

- Chưa có chiếu mạng thiên tử, đâu dám hấp tấp lập ngay.

Binh bộ thượng thư là Trần Kiệu nói:

- Nguỵ vương mất ở ngoài, các con tranh nhau lập ở trong, gây nên biến loạn thì xã tắc nguy mất!

Liền rút gươm cắt phăng tay áo, rồi thét to lên rằng:

- Ngày hôm nay xin lập thế tử lên nối ngôi, các quan ai còn dám bàn ngang nữa sẽ coi như tay áo này!

Ai nấy đều kinh khiếp. Sực có Hoa Hâm từ Hứa Xương phi ngựa đến. Mọi người giật mình hỏi có việc gì. Hâm nói:

- Nguỵ vương mới mất, thiên hạ chấn động, sao không mời thế tử nối ngôi ngay đi?

Chúng nói:

- Chỉ vì chưa có chiếu mệnh thiên tử, đang bàn nhau xin từ chỉ của vương hậu là Biện thị để lập thế tử lên đây!

Hâm nói:

- Ta đã đòi được chiếu mệnh của vua Hán đây rồi!

Cả bọn nhảy nhót, reo mừng.

Nguyên Hoa Hâm xiểm nịnh nhà Tào, làm sẵn một tờ chiếu, bắt hiếp vua Hiến đế phải xuống tờ chiếu ấy. Vua Hiến đế đành phải nghe lời, phong cho Tào Phi làm Nguỵ vương, thừa tướng, Ký Châu mục.

Hâm thò ngay tay vào bọc, rút tờ chiếu ra, đọc lên. Ngay hôm ấy Tào Phi lên ngôi, cho trăm quan lớn nhỏ vào lạy mừng, mở tiệc khánh hạ.

Khi đang ăn yến có tin vào báo rằng:

- Yển Lăng hầu Tào Chương dẫn mười vạn quân từ Trường An đến.

Phi giật mình, hỏi quần thần rằng:

- Thằng em râu vàng của ta, xưa nay tính cương lắm, mà lại giỏi nghề võ. Nay dẫn quân lại đây, tất có ý tranh ngôi của ta, làm thế nào bây giờ?

Bỗng một người ở dưới thềm bước ra thưa rằng:

- Tôi xin yết kiến hầu Yển Lăng, lấy lời lẽ thuyết phục hắn.

Chúng cùng nói:

- Phi ông ra thì không ai giải được cái vạ này.

Ấy mới là:

Tào thị lúc này đâu có khác,
Anh em Đàm, Thượng họ Viên xưa.

Chưa biết người xin đi là ai, xem hồi sau sẽ biết. 


分享到:

顶部
11/30 18:46
首页 刷新 顶部