2.2.1. Đơn vị cấu tạo từ tiếng Việt
Trong ngôn ngữ, từ chưa phải là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Nếu phân
xuất từ, ta có được những đơn vị nhỏ hơn gọi là hình vị. Hình vị là đơn vị nhỏ
nhất có nghĩa được dùng để cấu tạo nên từ.
* Từ trước đến nay, tồn tại nhiều quan niệm khác nhau khi định nghĩa
hình vị. Có nhiều nhà ngôn ngữ đã định nghĩa về hình vị - đơn vị ngữ pháp cơ
sở của Ngữ pháp học. Trong cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ
học” (Nguyễn Như Ý chủ biên) có nêu một số cách định nghĩa của các nhà
5
nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Anh
Quế, Hữu Quỳnh, Phan Thiều, Trần Ngọc Thêm, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu,
Nguyễn Thiện Giáp, Võ Bình, Đái Xuân Ninh... Xin được dẫn ra một số cách
định nghĩa:
“Hình vị là đơn vị nhỏ nhất mà có mang ý nghĩa, mang giá trị ngữ
pháp” (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, H., 1994,
tr.67)
“Hình vị là đơn vị hai mặt, có đầy đủ tính chất tín hiệu. Đã là tín hiệu
thì cái quan trọng, về mặt chức năng là phần nội dung biểu đạt, nó quyết định
sự tồn tại của bản thân tín hiệu” (Phan Thiều, “Thảo luận chuyên đề Tiếng,
hình vị và từ trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, 2 , H., 1984, tr.54).
“Hình vị là một đơn vị ngôn ngữ có nghĩa, nhỏ nhất và không độc lập
về cú pháp”. (Trần Ngọc Thêm, “Bàn về hình vị tiếng Việt dưới góc độ ngôn
ngữ học đại cương”, Ngôn ngữ, 1).
“Hình vị là những đơn vị được tạo ra từ các âm vị, tự thân có nghĩa
nhưng không được dung trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng
để kết hợp với nhau tạo thành câu”. (Đỗ Hữu Châu, Từ vựng - ngữ nghĩa
tiếng Việt, Nxb GD , H., 1985, tr. 5)
Ju. X. Xtêpanov trong Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, từ
phương diện cấu tạo, đưa ra định nghĩa: “Hình vị là lớp các hình tố tương
đồng mà mỗi hình tố lại gồm nhiều âm vị nhánh và được gặp trong một vị trí
nhất định nào đó” .
Tóm lại, dù định nghĩa hình vị ở góc độ và phương diện nào thì các nhà
ngôn ngữ cũng dễ thống nhất với nhau ở những đặc điểm của hình vị:
- Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị gốc để tạo thành từ.
- Hình vị được cấu tạo bởi các âm vị.
- Hình vị là đơn vị không độc lập về cú pháp.
- Ý nghĩa tồn tại ở dạng tiềm năng (không được dùng trực tiếp để giao
tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu).
6
* Bàn về ranh giới hình vị, từ trước tới nay có hai khuynh hướng rõ rệt:
Thứ nhất, ranh giới hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Tiêu biểu gồm
các tác giả như M.B.Emeneau, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp, Đinh Văn
Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu, Lê Văn Lý,
Thứ hai, ranh giới hình vị không hoàn toàn trùng với ranh giới âm
tiết. Tiêu biểu là các tác giả như L Thompson, Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang
Ban, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Kim Thản…).
Trong học phần này, chúng tôi theo quan điểm của khuynh hướng thứ
nhất, tức là ranh giới của hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Trong tiếng
Việt, âm tiết bằng với tiếng. Tuy nhiên, về mặt thuật ngữ ngôn ngữ học, âm
tiết không cần chứa nghĩa, còn tiếng phải có nghĩa (hoặc tiềm ẩn nghĩa). Đối
với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận diện nhất. Và tiếng (hình vị) chính là
đơn vị trực tiếp cấu tạo từ tiếng Việt.