“Là những kiến trúc gồm 2 từ trở lên kết hợp tự do với nhau theo
những quan hệ ngữ pháp hiển hiện nhất định và không chứa kết từ (quan hệ
từ) ở đầu.” [2, tr.6].
Các thành tố trong một cụm từ nhỏ nhất của tiếng Việt có thể có 3 kiểu
quan hệ cú pháp phổ biến sau đây:
- Quan hệ giữa chủ ngữ với vị ngữ, gọi tắt là quan hệ chủ - vị,
- Quan hệ giữa thành tố chính và thành tố phụ về ngữ pháp, gọi là quan
hệ chính phụ,
- Quan hệ giữa hai yếu tố bình đẳng với nhau về ngữ pháp, gọi là quan
hệ đẳng lập.
Tương ứng với 3 kiểu quan hệ cú pháp đó là 3 kiểu loại cụm từ sau:
- Cụm từ chủ vị
- Cụm từ đẳng lập
- Cụm từ chính phụ
Trong ba loại cụm từ trên, cụm từ chính phụ có vai trò khá quan trọng
trong cú pháp học cụm từ. Thông qua nghiên cứu cấu tạo của cụm từ chính
phụ, ta có thể xác định được nhiều từ loại và tiểu loại của từ. Ngoài ra, việc
nắm được các kiểu cấu tạo của các cụm từ chính phụ cũng tức là nắm được
những cách triển khai câu hoặc rút gọn câu. Do đó, nhiều tác giả nhận định
cụm từ chính phụ với “tư cách là một đối tượng duy nhất được nghiên cứu
riêng” [2, tr.15]. Bắt đầu từ đây, khái niệm cụm từ theo nghĩa hẹp được hiểu
là cụm từ chính phụ để phân biệt với cụm từ nói chung.