5.2.1. Thành phần chính của câu
5.2.1.1 Chủ ngữ
Trong các tài liệu ngữ pháp tiếng Việt, khái niệm chủ ngữ thường được
định nghĩa là một trong hai thành phần chính của câu có quan hệ qua lại với
thành phần vị ngữ, nêu lên đối tượng mà đặc trưng hay quan hệ của nó được
nói đến ở vị ngữ.
Về cấu tạo, chủ ngữ thường được cấu tạo bởi một từ hoặc một cụm từ,
một tiểu cú. Ví dụ:
- Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời.
- Cái màu xanh cần lao ấy gợi bao yêu thương.
- Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu.
- Cách mạng tháng Tám thành công đã mang lại độc lập, tự do cho
dân tộc.
Về từ loại, chủ ngữ trong câu tiếng Việt thường do danh từ, đại từ đảm
nhận. Các thực từ khác như động từ, tính từ, số từ cũng có thể làm chủ ngữ
nhưng được sử dụng với tần số ít hơn.
Về vị trí, chủ ngữ thường đứng trước vị ngữ, chỉ trong một số trường
hợp nó mới đứng sau vị ngữ. Tuy nhiên, do trong tiếng Việt trật tự từ là một
phương thức ngữ pháp quan trọng nên việc đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ đòi
hỏi những điều kiện nhất định.