Tình thái ngữ là thành phần phụ nhằm bổ sung ý nghĩa tình thái cho
câu, nó biểu thị thái độ, sự đánh giá của người nói. Tình thái ngữ thường biểu
thị ý nghĩa tình thái chủ quan (loại ý nghĩa biểu thị sự đánh giá của người nói
đối với sự tình được nói đến trong câu hoặc biểu thị mối quan hệ giữa người
nói với người nghe).
Về cấu tạo, tình thái ngữ có thể có cấu tạo là từ hoặc cụm từ.
Về từ loại, tình thái ngữ thường do các tổ hợp thán từ, tình thái từ đảm
nhận.
Về vị trí, tình thái ngữ có thể đứng ở đầu, ở giữa hoặc cuối câu.
Ví dụ: - Đúng là ông ấy bận.
- Làm như vậy, theo ý tôi, là tốt rồi.
- Kém như nó thì rớt là cái chắc.
Phân loại tình thái ngữ:
- Tình thái ngữ chỉ ý kiến: dùng để biểu thị ý kiến chủ quan của người
nói đối với nội dung sự tình được phản ánh trong câu. Thường gặp một số
kiểu sau:
+ Tình thái ngữ khẳng định: nhất định, chắc chắn, hẳn là, chính, đích thị,
thế nào…cũng…,
Ví dụ: Chính mắt tôi đã nhìn thấy.
+ Tình thái ngữ phủ định: làm gì có, thì có, không phải, đâu phải, bao
giờ,…
Ví dụ: Không phải, (là) quyển sách của tôi
+ Tình thái ngữ biểu thị sự đánh giá.
Đánh giá về lượng về mức độ: chí ít, ít nhất, ít ra, là cùng, bất quá…là
cùng,…
Đánh giá về tính có lí, vô lí: ai lại, ai đời, lẽ ra, công bằng mà nói, đáng
lẽ, đằng thằng mà nói,..
Đánh giá, nhận định về điều kiện may mắn, không may mắn: cũng may,
may sao, may ra, họa may, chẳng may, không may,…
Đánh giá, nêu nguyên nhân: chẳng qua, âu cũng là…
Ví dụ: - Từ nhà tôi đến trường chỉ 2 km là cùng.
- Lẽ ra, việc này anh nên nói trước với tôi một câu.
- Cũng may anh ấy đã sớm nhận ra sai lầm.
- Âu cũng là duyên số.
- Tình thái ngữ chỉ quan hệ, thái độ, tình cảm
+ Tình thái chỉ thái độ hoài nghi: ngộ nhỡ, hình như, chẳng lẽ, không
khéo, tôi e rằng, hay là, chưa biết chừng,…
Ví dụ: Tôi e rằng tôi không đến được.
+ Tình thái ngữ chỉ thái độ ngạc nhiên, bất ngờ: hóa ra, té ra…
Ví dụ: Hóa ra chị biết chuyện rồi à.
+ Tình thái ngữ chỉ thái độ lịch sự: cảm phiền, làm ơn, xin lỗi, nói trộm
vía, nói trộm bóng,…
Ví dụ: Xin lỗi, ở đây cấm hút thuốc.
+ Tình thái ngữ chỉ thái độ tình cảm vui buồn (còn gọi là thành phần cảm
thán): ôi, a, ối, trời, lạy trời, trời ơi, than ôi, hỡi ơi,…
Ví dụ: Than ôi, thời oanh liệt này còn đâu?
- Tình thái ngữ hô đáp (còn gọi là thành phần biệt lập gọi đáp)
Ví dụ: - Em ơi, buồn làm chi!
- Mẹ ơi, lau nước mắt!
Làng ta giặc chạy rồi
- Thưa cụ, con đã trả cho nó rồi ạ!