Quân đội Pháp cứ tuần tự tan rã theo một cấp số toán học đều đặn, và cuộc hành quân qua sông Berezina mà người ta bàn rất nhiều trong các sách vở, chẳng qua chỉ là một trong những cái mốc chuyển tiếp trong quá trình tiêu diệt của quân đội Pháp, chứ tuyệt nhiên không phải là một giai đoạn quyết định của chiến dịch. Sở dĩ trước kia cũng như hiện nay người ta viết nhiều về trận Berezina như vậy, nếu xét về phía người Pháp, chẳng qua là vì trên cầu Berezina sụp đổ, những tai ương mà quân Pháp đã lần lượt chịu đựng bấy lâu nay bỗng dồn vào một lúc làm thành một cảnh tượng thảm khốc khắc sâu vào trí nhớ người ta. Còn về phía người Nga, thì sở dĩ người ta nói và viết về Berezina nhiều như vậy cũng chỉ vì cách xa nơi diễn ra chiến sự, ở Petersburg, người ta đã vạch ra một kế hoạch (chính phủ là người đề xướng) bắt sống Napoléon trong một cuộc phục kích chiến lược trên sông Berezina. Ai nấy đều tin chắc rằng mọi việc trong thực tế sẽ xảy ra đúng như trong kế hoạch, cho nên họ đều một mực nói rằng chính cuộc chuyển quân qua sông Berezina đã đưa quân Pháp đến diệt vong. Nhưng thật ra những hậu quả của cuộc vượt sông này, về số đại bác và quân lính bị bãt còn ít tai hại hơn trận Kraxnoye, như những con số thống kê đã cho thấy.