Người ta có thể bác bỏ những quy luật mới để duy trì quan hệ cũ về lịch sử, nhưng nếu chưa bác bỏ được những quy luật ấy thì hình như không thể tiếp tục nghiên cứu những biến cố lịch sử với tính cách sản phẩm của ý chí tự do của con người. Vì nếu một hình thức chính phủ nào đó của các dân tộc diễn ra là do những điều kiện địa lý, nhân chủng hay kinh tế nhất định, thì ý, chí của những người mà ta tưởng là đã thiết lập hình thức của chính phủ hay tạo nên sự vận động của các dân tộc không còn có thể coi là một nguyên nhân nữa.
Ấy thế mà khoa sử học cũ vẫn tiếp tục được nghiên cứu song song với những quy luật của thống kê học, của địa lý, của chính trị kinh tế học, của ngôn ngữ học so sánh, của địa chất học là những khoa học mâu thuẫn hẳn với những luận điểm của sử học.
Trong triết học tự nhiên giữa những quan điểm cũ và những quan điểm mới đã diễn ra một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go.
Thần học bảo vệ những quan điểm cũ và tố cáo những quan điểm mới là phá hoại sự thần khải. Nhưng đến khi chân lý thắng lợi, thần học lại được xây dựng lại vững vàng trên cơ sở mới.