Kịch xiếc Cuộc phiêu lưu của Gulliver và vở Chú kiến lạc loài là món quà thú vị cho thiếu nhi trong mùa hè này.
Hơn 10 năm qua, chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của Sân khấu IDÉCAF gần như chiếm vị trí độc tôn trong việc chinh phục thiếu nhi. Hè này đã có thêm những điểm sáng mới hấp dẫn thiếu nhi nhờ sự sinh động, chất lượng đầu tư, chất lượng nghệ thuật và tính giáo dục.
Xiếc không ngừng gây thú vị
Năm 2006, khi Đoàn Xiếc TP.HCM tung ra vở xiếc kịch Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo - lần đầu tiên có sự kết hợp giữa kịch và xiếc - khán giả đã hào hứng hẳn lên. Liền nhiều năm sau đó, mô hình xiếc-kịch liên tục được khai thác đưa khán giả thiếu nhi TP.HCM ngày càng gần hơn với xiếc. Hè 2011, một lần nữa Đoàn Xiếc TP.HCM lại tạo ra sự mới mẻ khi cho ra lò vở xiếc-rối Cuộc phiêu lưu của Gulliver với kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng.
Để kể câu chuyện một anh chàng thích phiêu lưu hết lạc đến xứ sở người khổng lồ lại đến xứ sở người tí hon…, sự kết hợp xiếc-rối tỏ ra rất đắc địa. Trên sân khấu, các nhân vật kịch khi là người thật, khi là các con rối. Khi thể hiện vương quốc người khổng lồ, diễn viên rối khoác lên người bộ vỏ những con rối bông to lớn. Lúc sân khấu biến thành vương quốc tí hon, những con rối que be bé điều khiển bằng tay trở thành vai diễn chính. Cảnh trí vương quốc tí hon theo đó cũng hiện ra phong phú với những mô hình thật đẹp, thật sinh động. Yếu tố như hoạt họa này đã giúp sân khấu vở diễn chứa đầy màu sắc mơ mộng, kích thích trí tưởng tượng của trẻ con. Đến khi nhân vật chính trở về thế giới người bình thường hay ở những cảnh hành động, các diễn viên xiếc hiện ra với những trò diễn sôi nổi... Câu chuyện phiêu lưu thú vị được kể một cách nhẹ nhàng, sân khấu chuyển cảnh chặt chẽ với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và phục trang được đầu tư kỹ lưỡng, chuyên nghiệp… là những yếu tố làm nên một vở diễn lôi cuốn trẻ con.
Một lực lượng làm mới
Hè này Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chinh phục khán giả nhí ở vở diễn thiếu nhi thứ hai của mình - Chú kiến lạc loài. Khán giả nhí hưởng ứng Chú kiến lạc loài nồng nhiệt. Các bé buồn, lo lắng, hào hứng với từng cảnh ngộ của chú kiến thông minh mà côi cút. Đặc biệt bất ngờ là vở diễn đã tạo tình huống cho các nhân vật trong kịch tương tác với khán giả. Khi được diễn viên trong lốt các nhân vật hỏi ý kiến, các bé bày tỏ sự đồng ý hay không đồng ý một cách rất quyết liệt. Hiệu ứng này thể hiện phong cách dựng vở thông minh, hồn hậu, chuyên nghiệp.
Trước nhất, cảnh trí đẹp như tranh vẽ đã hút trẻ con ngay từ đầu. Tạo hình các con vật tuy đơn giản nhưng gần với hình ảnh thật. Những trò chơi mà trẻ con yêu thích: kéo xe, làm đòn bẩy, chăng dây… Ngôn ngữ và tình huống kịch cũng gần gũi trẻ con ở sự đơn giản, trong trẻo mà lí lắc, bất ngờ. Ở Nữ hoàng ngang ngược - vở diễn thiếu nhi đầu tiên của sân khấu này - trò diễn và sự sinh động, náo nhiệt chưa trải đều suốt vở nên chưa hút khán giả trẻ con lắm. Điểm yếu trên đã được khắc phục ở Chú kiến lạc loài. Các diễn viên trong vở từ kỳ cựu như Ái Như, Thành Hội đến mới, trẻ như Thế Sơn, Lương Duyên, Quốc Thịnh, Tuyết Mai… đều mang vào vở sự hồn hậu đáng quý trong cách gây cười thích hợp với trẻ con: không lạm dụng hình thể, đài từ, ngôn ngữ không thích hợp với các em nhỏ. Chính vì thế, Chú kiến lạc loài không chỉ được khán giả nhỏ hưởng ứng mà còn chiếm được cảm tình của nhiều bậc phụ huynh.