Hồi 16
Đường Hán Trung, Chung Hội chia quân;
Núi Định Quân, Võ Hầu hiển thánh
Tư Mã Chiêu nói với Thiệu Đễ rằng:
- Trong triều lắm người nói không nên đánh Thục, thế là nhút nhát. Nếu cho họ đánh gượng tất thua. Chỉ có Chung Hội bày kế đánh Thục, thế là không nhát, không nhát thì chắc phá được Thục. Thục vỡ rồi, người Thục ruột gan tan nát. Tướng đã bị thua không còn nói là dũng, quan đã mất nước, khó lòng nghĩ khôn; dù cho Chung Hội có bụng nào, người Thục giúp làm sao được? Đến như người Ngụy đánh thắng rồi, tất mong về, quyết không chịu theo Chung Hội làm phản, thì cũng không phải lo đến nữa. Ta chỉ nói mình ngươi biết thôi, chớ có để lộ ra ngoài.
Thiệu Đễ bái phục.
Nói về Chung Hội hạ trại đâu đấy, lên trướng hội các tướng lại truyền lệnh. Bấy giờ có giám quân Vệ Quán, bộ quân Hồ Liệt, đại tướng là bọn Điền Tục, Bàng Hội, Điền Chương, Viên Tĩnh, Khâu Kiến Hạ Hầu Hàm, Vương Mãi, Hoàng Phủ Khải, Cẩu An, cả thảy hơn tám mươi viên.
Hội truyền lệnh rằng:
- Phải có một đại tướng làm tiên phong, đi đến đâu gặp núi phải mở đường, gặp sông phải bắc cầu, có ai dám nhận việc ấy không?
Một người bước ra thưa rằng:
- Tôi xin lĩnh chức ấy.
Hội nhìn xem, té ra con hổ tướng Hứa Chử là Hứa Nghi.
Chúng đều nói:
- Phi người ấy không ai làm nổi tiên phong.
Hội nói:
- Người là tướng mình hổ tay vượn, cha con cùng có tiếng cả. Nay các tướng đã bầu cho ngươi, ngươi nên đeo ấn tiên phong này, lĩnh năm nghìn quân mã, một nghìn quân bộ, đến thẳng Hán Thủy. Quân chia làm ba đường: Ngươi lĩnh trung quân ra đường Tà Cốc; tả quân ra đường Lạc Cốc, hữu quân ra hang Tí Ngọ. Ba đường đều núi non gập ghềnh, ngươi phải bắt san phẳng đường cái, sửa sang cầu cống dọn đá phá núi, chớ để trở ngại, nếu trái lệnh sẽ chiếu quân pháp trị tội.
Hứa Nghi lĩnh mệnh, dẫn quân đi trước. Chung Hội kéo mười vạn quân đi sau.
Nói về Đặng Ngải ở Lũng Tây, nhận chiếu đánh Thục, sai Tư Mã Vọng giữ mặt rợ Khương; lại sai thứ sử Ung Châu là Gia Cát Tự, thái thú Thiên Thủy là Vương Kỳ, thái thú Kim Thành là Dương Hân, người nào cũng phải khởi quân mã bản hộ, chờ lệnh sai khiến.
Khi quân mã họp đông cả, Đặng Ngải đêm nằm mơ thấy trèo lên một trái núi cao, nhìn vào Hán Trung; chợt ở dưới chân có một ngọn suối chảy tóe ra như thác, giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm. Ngải ngồi đợi cho đến sáng, gọi hộ vệ là Thiệu Hoãn vào hỏi. Hoãn vốn tinh hiểu dịch lý. Ngải kể lại mộng ấy, muốn đoán xem hay dở làm sao. Hoãn nói:
- Kinh dịch có câu: "Trên núi có nước là quẻ Kiền. Quẻ ấy lợi về mặt tây nam, không lợi về mặt đông bắc". Đức Khổng Tử giải nghĩa rằng: "Quẻ Kiền, lợi mặt tây nam, nghĩa là đi thì có công; không lợi về mặt đông bắc, nghĩa là đi ra đó thì đường cùng". Cứ như mộng ấy, tướng quân đi chuyến này, tất là đánh được Thục, nhưng chỉ e không trở về được mà thôi!
Ngải nghe nói, buồn rầu không vui. Chợt có hịch của Chung Hội đưa đến, hẹn cất quân cùng đến cả Hán Trung. Ngải mới sai Gia Cát Tự dẫn mười lăm ngàn quân, trước hết chặn đường Khương Duy về. Sai Vương Kỳ dẫn mười lăm ngàn quân tự mé tả đánh vào Đạp Trung; Khiên Hoàng dẫn mười sáu ngàn quân từ mé hữu đánh đền Đạp Trung; lại sai Dương Hân dẫn mười lăm ngàn quân đón đánh sau lưng Khương Duy ở Cam Tùng. Ngải tự dẫn ba vạn quân đi lại tiếp ứng cho các mặt.
Nói về Chung Hội khi cất quân đi, các quan tiễn ra ngoài thành. Tinh kỳ rợp trời, gươm giáo sáng quắc, quân mã hùng tráng, oai phong lẫm liệt lắm; ai cũng nức nở khen ngợi, chỉ có tham quân là Lưu Thực tủm tỉm cười nhạt, không nói câu gì.
Thái úy Vương Tường thấy Lưu Thục cười mát làm vậy, đến gần ngựa cầm tay Thực hỏi rằng:
- Chung, Đặng hai người đi chuyến này thế nào?
Thực nói:
- Chắc phá xong Thục, nhưng chỉ ngại không ai trở về được đến nhà.
Vương Tường hỏi cớ làm sao, Lưu Thục chỉ cười không nói.
Khi quân Ngụy đã kéo đi, có quân tế tác báo tin ấy vào Đạp Trung cho Khương Duy biết. Duy lập tức dâng biểu tâu với hậu chủ, xin giáng chiếu sai tả xa kỵ tướng quân là Trương Dực lĩnh quân giữ cửa ải Dương Bình; hữu xa kỵ tướng quân là Liêu Hóa lĩnh quân giữ cầu Âm Bình. Hai xứ ấy là khâu yếu, nếu để mất thì Hán Trung cũng không giữ được. Một mặt sai người sang Ngô cầu cứu; còn Duy thì cất quân Đạp Trung ra chống giặc.
Bấy giờ Hậu chủ cải năm Cảnh Diệu thứ sáu làm năm Viêm Hưng thứ nhất, ngày ngày cùng với hoạn quan Hoàng Hạo vui chơi ở trong cung. Khi ấy tiếp được biểu của Khương Duy liền hỏi Hoàng Hạo rằng:
- Nước Ngụy sai Chung Hội, Đặng Ngải đem đại quân chia đường vào cướp nước ta, làm thế nào bây giờ?
Hạo tâu rằng:
- Đây là Khương Duy muốn lập công, cho nên dâng biểu này, xin bệ hạ khoan tâm, chớ nên lo nghĩ. Tôi nghe ở trong thành có một bà đồng, thờ một vị thần, biết trước việc hay dở, bệ hạ nên cho đòi vào mà hỏi.
Hậu chủ nghe lời, bày đồ hương hoa, vàng nến ở hậu điện, và đồ tế vật, rồi sai Hoàng Hạo đón bà đồng vào cung mời ngồi trên sập rồng. Hậu chủ đốt hương khấn vái, bà đồng bỗng dưng xõa tóc nhảy lên điện, múa may diễu lượn ở trong hương án vài chục vòng.
Hạo nói:
- Đó là thần đã giáng đấy, bệ hạ nên cho tả hữu ra ngoài, rồi ngài thân vào mà kêu khấn.
Hậu chủ đuổi thị thần ra rồi lạy hai lạy kêu khấn.
Bà đồng thét lên rằng:
- Ta là thổ thần ở xứ Tây Xuyên này đây! Bệ hạ vui vẻ thái bình, can gì phải hỏi đến việc khác? Sau vài năm nữa, bờ cõi nước Ngụy, cũng về tay bệ hạ. Bệ hạ không phải lo chi.
Nói đoạn, ngã xuống đất, mê man nửa giờ mới tỉnh.
Hậu chủ mừng lắm, ban thưởng cho bà đồng rất hậu. Từ đó tin lời đồng bóng, không nghe lời Khương Duy, ngày nào cũng mở tiệc vui chơi. Khương Duy mấy phen tâu về, đều bị Hoàng Hạo dìm đi, vì thế hỏng cả việc lớn.
Đây nói Chung Hội kéo quân lần lần đến Hán Trung. Tiên phong Hứa Nghi muốn lập công đầu, lĩnh quân đi trước đến Nam Trịnh. Nghi bảo với các tướng rằng:
- Đi qua cửa ải này, tức là Hán Trung rồi; quân mã không có bao nhiêu, chúng ta nên cố sức cướp lấy.
Các tướng tuân lệnh, kéo ùa vào cả. Tướng giữ ải là Lưu Tốn, biết trước quân Ngụy sắp đến, đã phục sẵn quân sĩ ở hai bên cầu gỗ trước ải, dàn sẵn nỏ bắn mười tên một lượt của Võ Hầu để lại. Quân của Hứa Nghi vừa đến nơi, nổi một hiệu cồng, hai bên tên đạn bắn ra như mưa. Nghi vội rút về, thì vài mươi tên kỵ đã bị bắn chết. Quân Ngụy thua chạy. Nghi về báo với Trung Hội. Hội dẫn hơn một trăm giáp sĩ dưới trướng cưỡi ngựa đến xem, quả nhiên cung nỏ bắn ra dữ lắm. Hội quay ngựa về. Lưu Tốn ở trên ải dẫn năm trăm quân đánh xuống. Hội quất ngựa chạy qua cầu, đất lở sụt xuống, chân ngựa móc vào khe cầu, không cất lên được. Hội phải nhảy xuống ngựa chạy bộ. Lưu Tốn đuổi kịp, cầm thương phóng theo. Không ngờ bị tướng Ngụy là Tuân Khải quay mình bắn một phát. Lưu Tốn trúng tên ngã ngựa. Chung Hội thừa thế, thúc quân quay lại cướp ải, nhân có quân Thục ở trước mặt, quân trong thành không dám bắn tên ra, bị Chung Hội đánh tan, cướp ngay được ải.
Chung Hội cất Tuân Khải lên làm hộ quân, thưởng cho một bộ yên cương và khôi giáp, rồi gọi Hứa Nghi đến mắng rằng:
- Ngươi làm tiên phong, lẽ phải gặp núi mở đường, qua sông bắc cầu. Chỉ có một việc sửa sang đường xá cho tiện quân đi, thế mà ta vừa bước chân lên cầu đã bị sụt mắc chân ngựa, suýt nữa sa xuống; giá không có Tuân Khải thì ta đã bị giết rồi. Ngươi làm trái quân lệnh, phải theo quân pháp mà trị tội mới được!
Nói đoạn, quát tả hữu lôi Hứa Nghi ra chém.
Các tướng can rằng:
- Cha hắn là Hứa Chử có công to với triều đình, xin đô dốc hãy khoan thứ cho.
Hội nổi giận, nói:
- Quân pháp không minh, thì sao sai khiến được mọi người?
Bèn sai chém đầu Hứa Nghi răn chúng. Các tướng ai nấy đều sởn gai ốc.
Bấy giờ tướng Thục là Vương Hàm giữ Lạc Thành. Tưởng Mân giữ Hán Trung, thấy quân Ngụy thế to lắm, không dám ra đánh, chỉ đóng chặt cửa giữ vững.
Chung Hội truyền lệnh rằng:
- Việc binh cốt phải nhanh, không được trì hoãn.
Bèn sai tiền quân Lý Phụ vây Lạc Thành, hộ quân Tuân Khải vây Hán Thành, Hội tự dẫn đại quân đến lấy cửa Dương An.
Tướng giữ Dương An là Phó Thiêm, và phó tướng là Tưởng Thư, hai người bàn kế chiến thủ với nhau. Tưởng Thư nói:
- Quân Ngụy từ xa lại đây, tất nhiên mỏi mệt, dù nhiều cũng không đáng sợ. Chúng ta nếu không xuống ải mà đánh, thì hai thành Hán, Lạc đều hỏng cả.
Tưởng Thư nín lặng, không nói gì. Chợt có tin báo quân Ngụy đã đến trước ải. Tưởng, Phó hai tướng lên ải đứng xem.
Chung Hội trỏ roi lên gọi rằng:
- Ta nay thống lĩnh mười vạn quân đến đây, nếu các ngươi hàng sớm ngay đi, thì cho giữ nguyên chức tước; nhược bằng ngu mê không hàng, ta phá vỡ quan ải, bấy giờ ngọc đá cũng đều tiêu thì đừng có kêu.
Phó Thiêm nổi giận, sai Tưởng Thư giữ ải, tự mình dẫn ba nghìn quân kéo xuống đánh. Chung Hội rút chạy, Phó Thiêm đuổi theo. Quân Ngụy họp lại đánh. Phó Thiêm toan chạy về thì đã thấy trên ải dựng toàn cờ hiệu nước Ngụy cả rồi.
Tưởng Thư gọi rằng:
- Ta đã hàng Ngụy rồi!
Thiêm nổi giận, mắng lớn:
- Quân vong ân bội nghĩa kia còn mặt nào trông thấy thiên hạ nữa?
Liền quay ngựa lại, cố đánh nhau. Quân Ngụy vây kín cả bốn mặt, Thiêm xông pha đánh giết, nhưng cũng không sao thoát được. Quân Thục mười phần đã chết mất tám chín. Thiêm ngẩng mặt lên trời than rằng:
- Ta sống làm tôi nhà Thục, chết cũng nên làm ma nhà Thục!
Nói đoạn, lại thúc ngựa đánh giết, bị quân Ngụy đâm trúng vài nhát dao, máu me loang cả áo giáp, cả con ngựa cưỡi cũng bị đâm ngã. Thiêm liền tự vẫn chết.
Có thơ than rằng:
Lòng trung trong một lúc,
Tiết nghĩa để nghìn thu,
Thà như Phó Thiêm chết,
Còn hơn sống Tưởng Thư!
Đây nói Chung Hội lấy xong được cửa Dương An thu được lương thảo, khí giới rất nhiều. Hội mừng lắm khao thưởng ba quân. Đêm hôm ấy, quân Ngụy ngủ cả trong thành Dương An... Chợt trên mé tây nam có tiếng reo nổi lên như sấm, Hội kíp ra trước nghe ngóng, thì đều lặng ngắt như tờ, không thấy động tĩnh gì nữa. Quân Ngụy sợ hãi cả đêm hôm ấy không dám ngủ. Từ canh ba trở đi, lại nghe tiếng reo ở góc tây nam. Chung Hội kinh hãi, sai người dò thám, người ấy về báo rằng đã đi xa ngoài mười dặm, tịnh không thấy bóng một người nào. Hội hồ nghi, tự đẫn hơn một trăm kỵ, nai nịt gọn gàng, đi về mé tây nam tuần tiểu. Đến một trái núi, thấy có sát khí bốn mặt bốc lên, mây mù tỏa kín đỉnh. Hội kìm ngựa lại, hỏi quan hướng đạo rằng:
- Đây là núi gì?
Quan hướng đạo bẩm:
- Đây là núi Định Quân, ngày xưa Hạ Hầu Uyên mất ở đây.
Hội buồn rầu không vui, quay ngựa trở về. Đi qua một sườn núi, bỗng dưng nổi cơn dông gió, rồi có vài nghìn kỵ ở mé sau theo chiều gió kéo đến. Hội giật mình, tế ngựa dẫn quân cắm đầu chạy. Các tướng ngả ngựa rất nhiều. Về đến cửa ải, kiểm lại thì không thiệt một người nào, chỉ bị ngã xây mày sát mặt và rơi mất chởm mủ mà thôi. Mọi người nói với nhau rằng: Trong đám mây mù có quân mã kéo đến, khi tới sát mình, thì không thấy giết hại người, té ra chỉ là cơn gió lốc.
Hội hỏi hàng tướng là Tưởng Thư rằng:
- Ở núi Định Quân có thần miếu nào không?
Thư nói:
- Ở đây không có đình miếu nào, chỉ có ngôi mộ Gia Cát Hầu thôi.
Hội kinh hãi, nói:
- Đây tất là Võ Hầu hiển thánh đó. Ta phải thân vào tế mới được.
Hôm sau, Chung Hội sai mổ trâu và dùng đủ đồ tế vật, đem đến trước mộ Võ Hầu tế bái. Hội thân vào lạy, khấn vái một hồi. Tế xong, cơn gió dữ tắt ngay, mây mù quang đãng, phây phẩy gió mát, điểm một vài hạt mưa lấm tấm, khí trời trong sáng như thường. Quân Ngụy mừng lắm, cùng vào lạy tạ rồi trở về doanh trại.
Đêm hôm ấy, Chung Hội ở trong trướng, nằm ngủ trên kỷ, chợt thấy một cơn gió mát thoảng qua, rồi có một người đội khăn lượt, cầm quạt long, áo hạc, giày trắng, dải thâm, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, mày thanh mắt sáng, mình dài tám thước, phớn phở như thần tiên, lững thững bước vào trong trướng.
Hội đứng dậy ra đón vào hỏi rằng:
- Ngài là ai đấy?
Người ấy đáp rằng:
- Sáng hôm nay, ngươi có biết đến ta, vậy ta có vài lời bảo cho ngươi biết: Nay lộc nhà Hán đã suy, mệnh trời không sao cưỡng được; song nhân dân ở trong hai Xuyên, mắc phải nạn binh đao, rất nên thương xót. Ngươi có vào cõi này, chớ nên giết hại sinh linh.
Nói xong, rủ tay áo đi ra. Hội muốn kéo lưu lại, thì sực tỉnh, té ra là một giấc mộng. Hội biết Võ Hầu linh ứng, kinh hãi không biết ngần nào, mới truyền lệnh dựng một lá cờ trắng ở trong quân, đề bốn chữ: "Bảo quốc an dân". Quân đi đến đâu, cấm không được giết càn một người nào, hễ giết người phải đền mạng. Bởi thế nhân dân trong Hán Trung ra cả thành đón rước lạy hàng. Hội đều lấy lời an ủi, không tơ hào phạm đến của dân.
Người sau có thơ khen rằng:
Mấy vạn âm binh giữ Định Quân,
Khiến Chung Hội phải tế linh thần
Sống hay đặt kế phò vua Hán,
Chết vẫn còn lời giúp Thục dân.
Nói về Khương Duy ở Đạp Trung, nghe tin quân Ngụy kéo đến, liền truyền hịch cho Liêu Hóa, Trương Dực, Đổng Quyết dẫn quân đi tiếp ứng các mặt. Một mặt, dàn sẵn đợi quân Ngụy. Mộy lát, quân Ngụy kéo đến, Duy dẫn quân ra địch.
Đại tướng Ngụy là Vương Kỳ quất ngựa ra gọi rằng:
- Ta nay có trăm vạn đại quân, nghìn viên thượng tướng, chia làm hai mươi đường kéo sang, đã đến Thành Đô rồi, ngươi không hàng đi cho mau, còn muốn kháng cự, sao không biết lòng trời thế vậy?
Duy nổi giận, vác thương quất ngựa ra đánh nhau với Vương Kỳ. Chưa được ba hiệp Kỳ thua chạy, Duy thúc quân đuổi theo. Đuổi hơn hai mươi dặm, bỗng nghe chuông trống rầm rĩ, rồi một toán quân kéo ra, trên cờ hiệu đề rõ thái thú Lũng Tây là Khiêm Hoằng.
Duy cười nói:
- Phục binh như thế dẫu trăm vạn quân ta cũng coi nhu cỏ rác mà thôi.
Liền thúc quân đuổi riết. Được mười dặm nữa, thì gặp Đặng Ngải dẫn quân đến. Hai tướng đánh nhau lộn bậy, Duy hăm hở đánh nhau với Đặng Ngải hơn mười hiệp chưa phân thắng bại. Bỗng lại nghe tiếng chiêng trống nổi lên ở mé sau. Duy vội vàng rút quân về thì hậu quân báo rằng: Các trại ở Cam Tùng đã bị thái thú Kim Thành là Dương Hân đốt phá mất rồi. Duy giật mình, sai phó tướng giương cờ hiệu của mình, ở lại chống nhau với Đặng Ngải, còn mình thì dẫn hậu quân quay về cứu trại Cam Tùng. Về đến nơi vừa gặp Dương Hân. Hân không dám giao chiến, chạy lẻn vào trong đường núi. Duy đuổi theo, đến dưới sườn núi, thì đá gỗ ở trên ném xuống như mưa. Duy không tiến lên được, phải trở về. Đến nửa đường, thì Đặng Ngải đã đánh tan quân Thục, rồi dẫn một đại đội đến vây Khương Duy. Duy phá vỡ vòng vây, chạy về trại lớn, giữ vững chờ quân đến cứu.
Chợt có ngựa lưu tinh về báo rằng:
- Chung Hội đánh vỡ cửa Dương Bình, tướng giữ ải Tưởng Thư hàng Ngụy, còn Phó Thiêm thì tử trận. Hán Trung đã thuộc Ngụy rồi. Tướng giữ Lạc Thành là Vương Hàm, tướng giữ Hán Thành là Tưởng Mân thấy mất Hán Trung, cũng mở cửa ra hàng nốt. Hồ Tế không chống cự nổi, phải chạy trốn về Thành Đô cầu cứu.
Duy nghe báo giật mình, sai lập tức nhổ trại. Đêm hôm ấy, quân đến cửa Cương Xuyên, gặp Dương Hân dẫn quân chặn đường. Duy nổi giận thúc ngựa vào đánh, mới hiệp một, Dương Hân đã thua chạy. Duy giương cung bắn luôn ba phát không trúng, tức mình bẻ cung vất đi, cầm thương sấn vào đuổi đánh. Không ngờ ngựa quỵ chân trước hất Duy ngã lăn xuống đất. Dương Hân vội vàng quay ngựa lại giết. Duy nhảy choàng dậy, đâm một nhát thương tin vào giữa trán Dương Hân. Quân Ngụy kéo ùn cả đến, cứu được Dương Hân chạy đi. Duy nhảy lên ngựa của thủ hạ, toan đuổi theo, thì quân Đặng Ngải cũng vừa đến. Duy đầu đuôi không cứu được nhau, bèn thu quân về cứu Hán Trung. Có tiểu mã báo tin thứ sử Ung Châu là Gia Cát Tự đã chặn mất đường về rồi. Duy mới hạ trại, giữ nơi núi hiểm. Quân Ngụy đóng ở đầu cầu Âm Bình. Duy tiến thoái hết đường, thở dài than rằng:
- Trời hại ta đây!
Phó tướng là Ninh Tùy nói:
- Quân Ngụy tuy chặn cầu Âm Bình của ta, nhưng quân giữ Ung Châu rất ít. Tướng quân nếu từ trong hang Khổng Hàng đi tắt đến lấy Ung Châu, Gia Cát Tự tất phải triệt quân Âm Bình về cứu. Bấy giờ tướng quân sẽ dẫn quân chạy ra giữ Kiếm Các, thì Hán Trung có thể giữ lại được!
Duy nghe lời, liền kéo quân vào cửa hang Khổng Hàm, giả vờ đến cướp Ung Châu. Quân tế tác báo với Gia Cát Tự. Tự thất kinh nói:
- Ung Châu là chỗ họp binh của ta, lỡ xảy ra sự gì triều đình bắt tội đến ta.
Bèn rút đại quân đi đường phía nam về cứu Ung Châu, chỉ để ít quân ở lại giữ cầu. Khương Duy đi đường phía bắc, ước được ba mươi dặm, biết rằng quân Ngụy đã khởi hành, mới quay lại, đổi hậu đội thành tiền dội, kéo về cầu Âm Bình. Quả nhiên, đại quân Ngụy đã rút, chỉ còn lơ thơ một ít ở lại. Duy đánh giết một trận tan nát, đốt sạch cả doanh trại. Gia Cát Tự trông thấy đầu cầu bốc cháy, bèn dẫn quân quay lại, thì quân Khương Duy đã đi được nửa ngày rồi, vì thế không dám đuổi theo nữa.
Lại nói, Khương Duy dẫn quân ra khỏi cầu, vừa đi được một thôi thì gặp Trương Dực, Liêu Hóa. Duy hỏi chuyện, Dực nói:
- Hoàng Hạo tin lời đồng cốt, không chịu phát binh cho. Tôi nghe tin Hán Trung nguy cấp, cất quân lại cứu, thì cửa Dương An đã bị Chung Hội lấy mất rồi. Nay nghe tướng quân bị vây ở đây, cho nên dẫn quân đến tiếp ứng.
Hóa nói:
- Nay bốn mặt giặc vây mất cả, đường mang lương không đi được, chi bằng lui về giữ cửa Kiếm Các, rồi sẽ liệu kế khác.
Duy còn phân vân chưa quyết bề nào, chợt có tin báo Chung, Đặng Ngải chia quân làm mười đường kéo đến. Duy muốn cùng Trương Dực, Liêu Hóa chia quân ra địch.
Hóa nói:
- Đất Bạch Thủy này hẹp hòi, không phải chỗ đánh nhau được, nên lui về giữ Kiếm Các là hơn: Nếu mất nốt Kiếm Các, thì tuyệt hết đường đi lại.
Duy nghe lời, dẫn quân kéo đến cửa Kiếm Các. Gần đến nơi, bỗng thấy còi trống vang tai, tiếng reo như sấm, tinh kỳ dựng lên tua tủa, một toán quân chặn trước cửa ải.
Đó là:
Hán địa không còn nơi hiểm trở.
Kiếm môn bỗng nổi trận phong ba.
Không biết toán quân ấy là quân nào, xem hồi sau phân giải.