- Cho phép tôi được nói với cô, Macgơrit, cô đã ốm suốt hai tháng, và trong hai tháng đó, tôi đã đến ngày một, để được biết tin tức về cô.
- Đúng vậy, nhưng tại sao anh không lên nhà?
- Bởi vì tôi chưa được biết cô.
- Người ta cần giữ ý như thế với một người con gái như tôi không?
- Người ta luôn giữ ý đối với mỗi người đàn bà. Ít ra, đó là ý kiến của tôi.
- Thế thì anh sẽ chăm sóc tôi?
- Vâng.
- Anh sẽ ở bên tôi suốt ngày?
- Bất kỳ lúc nào, nếu điều đó không làm phiền lòng cô.
- Anh gọi tên thái độ ấy là gì?
- Sự tận tuỵ.
- Và sự tận tuỵ đó từ đâu đến?
- Từ một sự thông cảm không thể cưỡng lại của tôi đối với cô.
- Thế nghĩa là anh yêu tôi? Nói ngày đi, có phải đơn giản hơn không?
- Có thể là thế? Nhưng nếu như có một ngày tôi phải nói điều đó, thì ngày đó không phải là ngày hôm nay.
- Tốt hơn, đừng bao giờ anh nói điều đó với tôi cả.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì điều đó chỉ có thể đưa đến hai hậu quả.
- Như thế nào?
- Hoặc tôi không chấp nhận, thế là anh sẽ giận tôi: hoặc tôi chấp nhận, thế là anh sẽ có một tình nhân đáng buồn. Một người đàn bà cau có, bệnh hoạn, buồn tẻ, hay vui một nỗi vui còn đáng buồn hơn cả sự ưu phiền. Một người đàn bà ho ra máu, và tiêu phí một trăm nghìn frăng mỗi năm. Người đó rất tốt đối với một ông già rất giàu như ông quận công. Nhưng rất phiền chán đối với một chàng trai trẻ như anh. Và bằng chứng là tất cả những tình nhân trẻ của tôi ngày xưa đều đã rời bỏ tôi rất nhanh chóng.
Tôi không trả lời gì cả, chỉ lắng nghe. Sự thành thật đó gần như là một lời thú tội. Cuộc đời đau đớn ấy, tôi hé thấy dưới màn sáng đang chói rạng đang che phủ, và người con gái khốn khổ đó đã chạy trốn thực tại trong sự sa đoạ, say sưa và mất ngủ. Tất cả những điều đó xúc động tôi đặc biệt, đến nỗi tôi không tìm ra được lời nào để nói.
- À thôi – Macgơrit nói tiếp – chúng ta đã nói những chuyện trẻ con qúa. Đưa tay cho tôi, và chúng ta trở vào phòng ăn. Người ta không nên biết sự vắng mặt của chúng ta mang ý nghĩa gì.