Các bữa ăn của Mary vẫn được phục vụ đều đặn, Martha vẫn hầu hạ nó, nhưng không ai mảy may bận tâm tới nó. Cứ một hoặc hai ngày, bà Medlock lại ghé thăm nó, nhưng chẳng ai buồn hỏi xem nó đã làm được những gì hay bảo nó cần làm việc gì. Con bé cho rằng có lẽ đây là cung cách người Anh dạy con trẻ. Ở Ấn Độ, nó luôn được Ahay của nó để mắt tới, họ thường bám theo từng bước chân để phục dịch nó. Nó từng chán ngấy những kẻ bám gót ấy. Giờ đây, nó chẳng bị ai lẵng nhẵng theo sau, được tự mình mặc lấy quần áo, bởi vì chỉ nhìn Martha là đủ biết chị sẽ cho rằng nó lười biếng và ngốc nghếch nếu nó cứ muốn mọi thứ phải được đưa tận tay hoặc đặt ngay trước mặt.
- Cô cảm thấy thế nào?
– Có lần chị lên tiếng lúc Mary đang đứng đợi chị xỏ găng cho nó.
– Con bé Sunsan Ann nhà chúng tôi còn lanh lẹ gấp đôi cô mặc dù nó mới lên bốn. Trông cô nhiều khi ẻo lả quá đấy.
Mary lại xị mặt cau có hàng giờ đồng hồ, nhưng chính chuyện đó khiến con bé nghĩ đến một vài điều hoàn toàn mới mẻ.
Sáng hôm đó, Mary đứng lì bên cửa sổ chừng mươi phút, sau khi Martha quét dọn chỗ lò sưởi lần cuối cùng và đi xuống dưới gác. Nó đang nhớ lại cảm giác mới lạ mà nó từng có khi ở trong thư viện. Nó không quan tâm nhiều đến thư viện bởi nó vốn đọc rất ít sách, nhưng hễ nhắc tới thư viện thì hàng trăm căn phòng với những cánh cửa khép chặt lại lởn vởn trong không khí.
Nó tự hỏi nếu tất cả đều khóa chặt thì nó sẽ tìm thấy gì bên trong khi bước vào căn phòng bất kỳ trong số đó. Có tới cả trăm phòng thật không? Tại sao nó không được phép đi lại để đếm xem có bao nhiêu cửa ra vào? Và thế là có việc để làm sáng nay, khi nó không thể ra khỏi nhà. Nó chưa bao giờ được dạy là phải xin phép trước khi làm việc gì, mà nó cũng chẳng biết gì về mọi thứ phép tắc, bởi thế nó không nghĩ nhất thiết phải hỏi bà Medlock nếu muốn lai vãng chỗ này chỗ nọ trong nhà, kể cả nếu bà ta có bắt gặp nó đi chăng nữa.