- Im đi, đồ ác khẩu... Không đúng thế đâu, bây giờ đã có hai tướng là người Nga: Miloradovich và Dolgorukov, lại có thêm một người thứ ba nữa: bá tước Arakseyev nhưng thần kinh ông ta yếu lắm.
- Chắc ông Mikhail Ilarionovich đã họp xong. Thôi, xin chúc các vị may mắn. - Công tước Andrey nói đoạn bắt tay Dolgorukov và Bilibin rồi đi ra.
Trên đường về, nhìn Kutuzov ngồi yên lặng bên cạnh mình, Công tước Andrey không thể không hỏi xem ông ta nghĩ thế nào đến trận đánh ngày mai.
Kutuzov nghiêm nghị nhìn người sĩ quan phụ tá của mình, yên lặng một lúc rồi đáp:
- Tôi nghĩ là trận này sẽ thua và đó là điều tôi đã nói với bá tước Tolstoy, nhờ bá tước tâu lên hoàng thượng. Và anh có biết là bá tước trả lời tôi thế nào không. "Ấy! Tướng quân thân mến ơi, tôi chỉ dự bàn việc gạo, thịt, còn việc đánh nhau thì ông bạn lo lấy". Vâng... Người ta trả lời cho tôi như thế đấy.
Chú thích:
(1) Đầu thế kỷ 19 ở châu Âu có ba hoàng đế thì đều dự trận này cả: một bên là Napoléon đệ nhất, Hoàng đế Pháp, một bên là Frantx đệ nhị. Hoàng đế Áo - Hung và Alekxandr đệ nhất, Hoàng đế Nga.
(2) Trong cuộc chiến tranh giữa Canhago và La Mã, thời cổ đại (218 - 202 trước công nguyên) danh tướng Canhago là Annibal tiến quân vào lãnh thổ La Mã như vũ bão, đánh tan hết các đạo quân thiện chiến của La Mã. Bấy giờ Fabiux được công cử làm nguyên soái. Chiến lược của Fabiux là tránh giáp trận, kéo dài cuộc cầm cự, dùng thời gian mà tiêu hao khí thế và lực lượng của đối phương. Nhờ chiến lược khôn ngoan ấy mà La Mã khỏi bị tiêu diệt. Nhưng người đương thời không hiểu, cho Fabiux là hèn nhát và phản bội và gọi ông là Cunctator nghĩa là "Người trì hoãn". Trong các ngôn ngữ Tây Phương Cunctator có nghĩa là người chỉ huy quân sự dè dặt, khôn ngoan, không hành động sôi nổi, để chờ thời cơ thuận tiện. Trong các cuộc chiến tranh chống Napoléon, chiến lược của Kutuzov chính là tranh những trận đánh vô ích để chờ thời cơ, dùng chiến tranh nhân dân mà đuổi địch.