Chàng cảm thấy lời mình nói ra bất luận nội dung ra sao cũng sẽ không có tác dụng bằng những lời lẽ khí khái của người quý tộc kia. Ilya Andrevich đứng ở phía sau tỏ ý tán thành; sau khi diễn giả nói hết một câu có mấy người hăm hở quay về phía ông ta nói:
- Đúng thế đấy! Đúng đấy!
Piotr muốn nói rằng chàng không có ý phản đối việc hy sinh tiền của hay nông nô, hay ngay cả bản thân mình cũng vậy, nhưng cần phải biết tình trạng hiện nay để tìm cách cải thiện nó, nhưng chàng không nói được.
Nhiều người cùng ta ó và cùng nói một lúc, đến nỗi Ilnya Andreyevich không kịp gật đầu tán thành hết được. Nhóm người lớn lên tản ra, rồi lại họp lại, vừa nói chuyện ồn ào vừa kéo vào phòng rộng, đến cạnh chiếc bàn lớn. Không những Piotr không nói được gì, người ta lại còn ngắt lời chàng một cách thô bạo, quay phắt đi và xa lánh chàng như xa lánh một kẻ thù chung. Sở dĩ như vậy không phải là vì họ không bằng lòng với những lời lẽ của chàng, - sau chàng có rất nhiều người nói, cho nên họ cũng quên khuấy đi - mà là vì, muốn kích thích đám đông, phải có một đối tượng cụ thể để yêu mến hay để căm thù. Piotr đã thành cái đối tượng căm ghét này. Sau người quý tộc hăng hái kia có rất nhiều người nói, và ai nấy đều cùng nói một giọng như vậy. Nhiều người nói rất hay và rất độc đáo.
Ông chủ nhiệm báo "Tín sứ Nga" là Glinka(1) (người ta nhận được ông ta ngay, trong đám đông có tiếng xôn xao: "nhà vua đấy!") bàn rằng phải lấy địa ngục, rằng ông ta đã từng trông thấy một đứa trẻ mỉm cười trong ánh chớp và trong tiếng sấm ầm ầm, "nhưng chúng ta sẽ không như đứa trẻ này".