Ngay từ đầu chiến dịch, quân đội ta đã bị cắt ra làm đôi và mục đích duy nhất của chúng ta là nối hai bộ phận này lại, tuy việc nối liền này chẳng có ích lợi gì cho việc rút lui và nhử quân địch vào nội địa. Hoàng đế đi với quân đội để cổ vũ binh sĩ bảo vệ từng tấc đất của nước Nga, chứ không phải để rút lui. Người ta xây dựng doanh trại Drissa đồ sộ theo kế hoạch của Pful và không hề nghĩ đến việc rút lui xa hơn nữa. Sau mỗi bước rút lui, hoàng đế lại khiển trách các vị tổng tư lệnh. Không những hoàng đế không thể quan niệm được về việc thiêu huỷ Moskva, mà thậm chí cũng không thể nào hình dung rằng có thể để cho quân địch đến Smolensk, và khi hai đạo quân đã hợp được với nhau thì ngài lại bất bình về Smolensk đã bị chiếm và bị đốt cháy mà không có một trận đánh toàn quân nào diễn ra ở trước thành này. Hoàng để nghĩ như vậy, nhưng các tướng Nga và toàn thể nhân dân Nga thì lại càng bất bình hơn nữa khi nghĩ rằng quân ta rút sâu vào nội địa.
Những giả thiết nói rằng Napoléon đã nhận thức được nguy cơ của việc kéo dài chiến tuyến và quân Nga có ý định nhử quân địch vào sâu trong nội địa của mình hiển nhiên là thuộc vào loại giả thiết này. Và các sứ giả đã phải gò ép sự thực nhiều mới có thể gán nhận thức kia cho Napoléon và các thống chế của ông ta, hoặc gán những ý định nọ cho các tướng Nga. Sự thực hoàn toàn trái ngược những giả thiết này. Về phía quân Nga, qua suốt cuộc chiến tranh, không những người ta không hề có ý muốn nhử quân Pháp vào nội địa mà trái lại người ta còn tìm mọi cách chặn họ lại ngay lúc họ mới xâm nhập vào nước Nga; còn Napoléon thì không những không hề sợ chiến tuyến của mình kéo dài mà còn mừng rỡ xem mỗi bước tiến về phía trước là một thắng lợi, và trái với các chiến dịch trước đây, lần này ông ta thờ ơ, không muốn tìm cơ hội giao chiến.