Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ.
Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến.