Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn toả ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không.
Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva.