Chàng nhất định phải dấu kín tên họ ở lại Moskva tìm cách gặp Napoléon và giết hắn đi: một là chết, hai là chấm dứt cơn hoạn nạn của toàn thể châu Âu, cơn hoạn nạn mà Piotr cho là chỉ do một mình Napoléon gây ra. Piotr biết rất rõ vụ mưu sát Napoléon do người sinh viên Đức(2) tiến hành ở Viên năm 1809, và cũng biết người sinh viên đó đã bị xử bắn. Và điều nguy hiểm có thể hy sinh cả tính mạng, trong khi thực hiện ý định lại càng cổ vũ Piotr thêm.
Hai tình cảm có sức mạnh ngang nhau không sao cưỡng nổi đang lôi cuốn Piotr tới chỗ thực hiện ý định đó. Trước hết, Piotr thấy mình nhất thiết phải hy sinh và đau khổ khi đã nhận thức được tai hoạ chung: Đó chính là cái tình cảm đã khiến chàng đến Mozaisk vào ngày hai mươi nhăm tháng trước và dấn thân vào nơi lửa đạn, rồi đến nay bỏ nhà ra đi, từ giã cảnh sinh hoạt sang trọng và xa xỉ đến ngủ trên một chiếc đi-văng cứng không cởi áo ngoài, và cũng chia sẻ bữa ăn với Geraxim; tình cảm thứ hai là lòng khinh miệt mơ hồ mà chỉ riêng người Nga mới có đối với tất cả những cái gì ước lệ giả dối, nhân tạo, đối với tất cả những cái gì mà người đời thường xem là hạnh phúc tuyệt dỉnh của nhân loại. Lần đầu tiên, Piotr có cái tình cảm kỳ lạ và đầy sức quyến rũ ở cung Xlobodxki, khi mà chàng chợt hiểu rằng của cải, quyền binh, tính mệnh, tất cả những điều mà con người ta ra sức xếp đặt và giữ gìn - Tất cả những thứ đó nếu có chút giá trị gì thì chẳng qua cũng là ở cái khoái cảm mà người ta có được khi vứt bỏ nó đi. Đó chính là cái tình cảm khiến người lính chí nguyện đem nướng đồng kô-pếch cuối cùng của mình trong quán rượu, khiến người quá chén vô cớ đập vỡ gương và kính, tuy cũng biết rằng sẽ phải đem những đồng tiều cuối cùng trong túi ra đền. Đó là cái tình cảm khiến người ta làm những việc điên rồ (theo con mắt người tục) như để thử thách sức mạnh và quyền lực của mình, cái tình cảm chứng tỏ rằng có một toà án cao cả đứng ở bên trên những quy ước của nhân loại và xét xử cuộc sống.