Sau trận Borodino, sau khi quân địch chiếm Moskva và kinh đô này bốc cháy, sự kiện mà các nhà sử học cho là quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh năm 1812 là cuộc hành quân của quân đội Nga từ con đường Ryazan ra con đường Kaluga tiến về doanh trại Tarutino, thường gọi là cuộc hành quân đường chéo sau con sông Kranaya Pakhra. Các nhà sử học gán công lao thực hiện cái chiến công oanh liệt này cho nhiều nhân vật khác nhau và tranh cãi nhau về chỗ công ấy cụ thể là công của ai. Ngay cả các sở gia ngoại quốc các sử gia Pháp, cũng thừa nhận thiên tài của các nhà cầm quân Nga khi nói đến cuộc hành quân chéo này. Nhưng tại sao các tác gia quân sự (và tất những người khác cũng nghe theo họ) lại cho rằng cuộc hành quân đường chéo này là một sáng kiến đầy mưu trí của một nhân vật nào đó, một sáng kiến đã cứu nước Nga và đưa Napoléon đến thất bại, thì thật khó lòng mà hiểu nổi. Thứ nhất, khó lòng mà hiểu được cuộc hành quân này mưu trí và thiên tài ở chỗ nào; vì chẳng cần nghĩ ngợi gì sâu xa lắm cũng có thể đoán ra rằng khi đạo quân không bị tấn công thì vị trí tốt nhất của nó là chỗ nào có nhiều lương thực hơn cả. Và bất cứ người nào, ngay cả một thằng bé mười ba tuổi khờ khạo cũng có thể dễ dàng đoán ra rằng năm 1812 vị trí có lợi nhất của quân đội sau khi rút lui quá Moskva là con đường Kaluga. Cho nên trước hết không thể hiểu được các nhà sử học đã suy luận như thế nào để đi đến chỗ cho rằng cuộc hành quân này là cao mưu. Sau đó, càng khó lòng hiểu nổi các nhà sử học căn cứ vào đâu mà cho rằng cuộc hành quân này có tác dụng cứu vãn quân Nga và đưa quân Pháp đến diệt vong; vì cuộc hành quân đường chéo này, trong những điều kiện có trước, đồng thời và có sau nó, có thể rất tai hại cho quân Nga và có lợi cho quân Pháp.
Những quy luật này có thể khám phá được khi nào ta hoàn toàn từ bỏ việc tìm tòi nguyên nhân trong ý muốn của một con người, cũng như việc khám phá quy luật chuyển động của các hành tinh chỉ có thể thực hiện được khi nào người ta từ bỏ quan niệm cho rằng quả đất là cố định.