Bây giờ thì các quân đội ấy chỉ còn là một đám người bỏ chạy với những kẻ cầm đầu, chẳng biết mình chạy đi đâu, và chỉ mong có một điều (từ Napoléon cho đến từng tên lính một): làm thế nào cho bản thân mình thoát ra khỏi cái tình trạng mà do một trực giác mơ hồ họ đều biết là tuyệt vọng. Vì thế cho nên trong buổi họp hội đồng Maly Yaroxlav sau khi các tướng Pháp đưa ra nhiều ý kiến khác nhau rồi giả vờ tranh luận, thì ý kiến cuối cùng của tướng Mutong chất phác và ngây thơ, nói lên cái điểm mà ai nấy đã đang nghĩ là phải làm sao chuồn đi cho nhanh, ý kiến ấy đã làm cho mọi người câm miệng, và không có ai, ngay cả Napoléon, có thể nói một câu nào để bác lại cái sự thật mà mọi người đều công nhận.
Tuy ai nấy đều biết rằng cần phải rút đi, nhưng người ta vẫn xấu hổ khi nghĩ rằng mình phải bỏ chạy. Cần phải có một sức đẩy ở bên ngoài mới có thể thắng được sự xấu hổ ấy. Và cái sức đẩy đó đã đến đúng lúc. Đó chính là cái mà người Pháp gọi là "tiếng hô Ura của hoàng đế".