Tất cả các nhà sử học đều nhất trí cho rằng hoạt động bề ngoài của các quốc gia và các dân tộc trong khi xung đột với nhau được thể hiện ra bằng những cuộc chiến tranh, và thế lực chính trị của các quốc gia và các dân tộc tăng hay giảm xuống là hậu quả trực tiếp của sự thắng bại trong chiến tranh.
Trong các pho sử người ta thường kể rằng một quốc vương hay một hoàng đế nào đó xích mích với một hoàng đế hay một quốc vương nào đó rồi cất quân đi đánh kẻ thù, giết chết ba nghìn, năm nghìn, một vạn người, và do đó mà chinh phục một quốc gia và cả một dân tộc hàng mấy triệu người; thật khó lòng hiểu nổi tại sao sự thất trận của một đội quân, nghĩa là của một phần trăm trong toàn thể các lực lượng của một dân tộc, lại có thể khiến cho một dân tộc phải khuất phục; tuy vậy tất cả những sự kiện lịch sử mà ta biết đều xác nhận rằng những thắng lợi lớn nhỏ của quân đội một dân tộc trong khi chiến đấu với quân đội một dân tộc khác là những nguyên nhân hay ít ra cũng là những dấu hiệu quan trọng của sự tăng cường hay sự suy giảm thế lực của các dân tộc. Hễ một quân đội thắng trận, là những quyền hạn của dân tộc chiến thắng lập tức được tăng lên, trong khi quyền hạn của dân tộc kia bị giảm sút. Hễ một quân đội bại trận, thì dân tộc bị chiến bại lập tức mất ít nhiều quyền hạn tuỳ theo mức độ bại trận, và nếu quân đội bị đánh bại hoàn toàn thì dân tộc đó phải hoàn toàn khuất phục kẻ chiến thắng.
Trận Borodino với những việc tiếp diễn theo sau: Moskva thất thủ, quân Pháp bỏ chạy không dám đánh thêm trận nào, là một trong những hiện tượng lìch sử đáng để cho người ta suy nghĩ nhất.