Từ khi Smolensk bị đốt cháy đã bắt đầu một cuộc chiến tranh không hề phù hợp với bất cứ truyền thống nào trước đây. Việc thiêu huỷ các thành phố và làng mạc, việc rút quân sau các trận đánh, cuộc chạm trán ở Borodino và cuộc rút lui sau trận này, việc đốt cháy Moskva, việc bắt cóc bọn lính đi hôi của, việc chặn đánh những đoàn xe, cuộc chiến tranh du kích - tất cả những việc đó đều là những việc vi phạm các quy tắc của nghệ thuật.
Napoléon cảm thấy điều đó, và ngay từ khi ông ta dừng lại ở Moskva với một tư thế đúng kiểu của người đấu kiếm, và đang chờ đợi mũi gươm của đối thủ thì lại thấy một chiếc gậy tầy hoa lên đầu mình, ông ta luôn luôn than phiền với Kutuzov và hoàng đế Alekxandr rằng cuộc chiến tranh này tiến hành trái quy tắc (làm như có những quy tắc ấn định cách giết người). Bất chấp những lời than phiền của quân Pháp về việc các quy tắc không được tôn trọng, bất chấp những người Nga có địa vị luôn thấy xấu hổ khi phải dùng gậy tầy mà đánh nhau, luôn muốn theo đúng quy tắc đứng vào thế bốn hay thế ba, rồi chuyển sang tấn công ở thế một v.v, chiếc gậy tầy của chiến tranh nhân dân vẫn giơ cao lên với sức mạnh dữ dội và hùng vĩ của nó, và không cần biết đến thị hiếu của ai, không cần biết đến quy tắc nào cả, với một sự đơn giản ngô nghê, nhưng hợp lý chẳng cần suy tư gì hết, nó giơ cao lện và giáng xuống quân Pháp cho đến khi toàn bộ cuộc xâm lăng tan vỡ hoàn toàn.
Và diễm phúc thay cái dân tộc đã không làm nhừ quân Pháp năm 1813 tức là giơ gươm lên chào theo đúng mọi quy tắc của nghệ thuật và quay ngược đốc gươm lại, kính cẩn trao gườm cho kẻ chiến thắng khoan dung với một cử chỉ đẹp mắt, diễm phúc thay cái dân tộc trong giờ phút thử thách không hề hỏi xem dân tộc khác đã hành động như thế nào trong những trường hợp tương tự, theo đúng các quỵ tắc mà lại với lấy một chiếc gậy tầy có sẵn trước mắt một cách dễ dàng và đơn giản, rồi giáng xuống đầu kẻ địch cho đến khi cảm giác căm giận và phục thù trong lòng họ nhường chỗ cho long khinh mệt và thương hại.