Khi một tổ kiến đã bị phá huỷ, đàn kiến đi lại tấp nập, con thì kéo từ trong tổ ra những mảnh rác, những cái trứng và những cái xác chết, con thì lại đi vào tổ, và thật khó lòng mà giải thích nổi chúng đi đâu mà tấp nập như vậy, tại sao chúng lại đuổi theo nhau, xô đẩy nhau, cắn nhau như thế. Người ta sẽ gặp một khó khăn tương tự khi muốn cắt nghĩa những nguyên nhân đã khiến cho người Nga sau khi quân Pháp rút đi, tấp nập kéo đến cái nơi trước kia gọi là Moskva. Nhưng cũng như khi nhìn đàn kiến tán loạn chung quanh tổ, mặc dầu cái tổ đã tan tành, sự kiên trì, sự quả quyết sức hoạt động của bầy kiến đông nghịt ấy vẫn cho người ta thấy rằng tất cả đều bị huỷ hoại trừ một cái gì không thể huỷ hoại được một cái gì phi vật chất làm nên tất cả sức mạnh của tổ kiến.
Moskva cũng vậy, vào tháng mười năm ấy, mặc dầu không có nhà chức trách, không có nhà thờ, đền miếu, của cải, nhà cửa, nó vẫn là thành Moskva trước kia, như hồi tháng tám, loại trừ một cái gì phi vật chất, nhưng kiên cường và không thể nào huỷ hoại được.
Những động cơ đã thúc đẩy những con người từ bốn phía đổ dồn về Moskva sau khi quân địch đã rút sạch, là những động cơ hết sức khác nhau, hết sức riêng biệt, và trong thời gian đầu thì phần nhiều là những động cơ man rợ, thú vật. Duy chỉ có một động cơ chung cho tất cả mọi người, đó là cái ước vọng trở về trước kia gọi là Moskva để tìm cách sử dụng sức hoạt động của mình ở đấy.