Câu thành ngữ này thường dùng chỉ người bề ngoài rất hào nhoáng nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thành ngữ này có xuất xứ từ "Tả truyền – Văn công ngũ niên".
Thời Xuân Thu vào khoảng hơn nghìn năm trước, Dương Xử Phụ đại phu nước Tấn xuất sứ nước Ngụy, khi quay trở về vào nghỉ tại một quán trọ ở ven đường. Chủ quán thấy Dương Xử Phụ là một người khôi ngô tuấn tú thì trong lòng vô cùng mừng rỡ, mới nói với vợ rằng: "Tôi luôn mơ ước muốn theo học một người có đạo đức cao thượng, nhưng khốn nỗi chưa tìm được người nào vừa ý. Hôm nay, tôi thấy Dương Xử Phụ là người có thể theo học được".
Yêu cầu này của chủ quán được Dương Xử Phụ đồng ý. Tức thì, chủ quán từ biệt vợ theo Dương Xử Phụ lên đường.
Trên đường đi, qua nói chuyện với Dương Xử Phụ, chủ quán phát hiện Dương Xử Phụ không phải là người thực sự có học vấn, cũng chẳng phải là người có đạo đức cao thượng gì, bèn chia tay với Dương Xử Phụ quay về nhà.
Người vợ bỗng thấy chồng quay trở về vội hỏi rằng: " Chẳng phải ông theo học với Dương Xử Phụ rồi ư ? cớ sao lại quay về ?".
Chủ quán đáp " Tôi thấy Dương Xử Phụ là người cử chỉ cao nhã, tướng mạo đường đường, những tưởng có thể theo học được, nhưng khi quan sát cách ăn nói của ông ta đã khiến tôi thật chán ghét. Tôi ngại đi theo ông ta không những chẳng học được gì, ngược lại còn rất có hại, nên tôi đã thay đổi ý định ".
Qua đó có thể thấy Dương Xử Phụ là một người chỉ đẹp mã ngoài, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Hiện nay, người ta thường dùng câu thành ngữ này để ví với bề ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong thì không có nội dung thực tế, dùng để nói về người bề ngoài trông rất có học vấn, nhưng kỳ thực trong bụng rỗng tuếch.
Húy tật kỵ y
Chữ "Húy" ở đây có nghĩa là giấu giếm. Còn chữ "Kỵ" là chỉ lo ngại hoặc sợ. Vậy câu thành ngữ "Húy tật kỵ y" có nghĩa là giấu giếm bệnh tật của mình, ngại để thầy thuốc khám ra rồi chạy chữa thuốc thang, dùng để chỉ người giấu giếm yếu điểm và lỗi lầm của mình tránh bị người khác phê bình.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ (Chu Tử thông thư- quá).
Biển Thước là một danh y thời Chiến Quốc vào hơn 2 nghìn năm trước.
Một hôm, Biển Thước đến yết kiến Sái Hằng Công, ông ngồi nhìn Sái Hằng Công hồi lâu rồi nói rằng: "Đại vương hiện đang mắc bệnh, mà bệnh hiện đang ở ngoài da, Đại vương nên chạy chữa cho nhanh". Sái Hằng công nói: "Khỏi phải chạy chữa, tôi chẳng có bệnh gì cả".
Mấy hôm sau, Biển Thước lại đến yết kiến Sái Hằng Công. Biển Thước nói: "Đại vương, bệnh của ngài hiện đã lan xuống bắp thịt, nếu không chạy chữa mau thì sẽ càng nặng thêm". Sái Hằng Công nghe vậy không được vui lắm.
Lại qua mấy ngày sau, Biển Thước lại đến gặp Sái Hằng Công và nói rằng : Bệnh của Đại Vương hiện đã lan sâu vào ruột gan, nếu không chạy chữa ngay thì nguy to". Sái Hằng Công không những không nghe, ngược lại càng thêm bực tức.
Mười mấy ngày sau, khi Biển Thước đến gặp và nhìn thấy Sái Hằng công thì liền quay ngoắt người bước ra. Sái Hằng Công thấy lạ bèn sai người đuổi theo hỏi Biển Thước thì Biển Thước trả lời rằng: "Người đã mắc bệnh, khi bệnh còn ở ngoài da thì có thể bôi thuốc hoặc uống thuốc là khỏi. Khi bệnh lan xuống bắp thịt thì có thể châm cứu hoặc dùng đá bấm huyệt là khỏi. Còn khi bệnh đã lan vào ruột gan, thì vẫn có cách chữa khỏi được. Nhưng khi bệnh đã đi vào xương tủy thì quả là vô phương cứu chữa, nay bệnh của Đại Vương đã đi vào xương tủy, tôi thật không có cách nào cứu chữa được ".
Năm ngày sau, Sái Hằng Công cảm thấy trong người đau nhức rất khó chịu, mới vội vàng sai người đi gọi Biển Thước, nhưng Biển Thước đã trốn sang nước Tần từ lâu. Cuối cùng, Sái Hằng Công chết vì bệnh. Hiện nay, người ta vẫn dùng thành ngữ: " Húy tật kỵ y" để ví với người giấu giếm những thiếu sót và lỗi lầm của mình tránh bị người khác phê bình.