Thành phố Đà Lạt của tỉnh
Dạo qua những khu vực chính ở trung tâm thành phố, nơi có các điểm du lịch, ngay phía ngoài cửa, mọi người đứng quanh những chiếc xe để mua bánh tráng nướng. Người chủ chở trên xe một chiếc thùng nhỏ, trong đó để bếp than và những nguyên liệu như bánh tráng, trứng gà, hành lá, tép khô…Những chiếc bánh chế biến khá đơn giản, đặt lên vỉ nướng, trứng đánh tơi với hành lá, tép khô rồi dàn đều lên bề mặt bánh. Mỗi chiếc bánh chỉ cần chế biến trong vòng 2, 3 phút, cuộn tròn lại và thêm tý tương ớt là thực khách có thể dùng được ngay, mang theo ăn lót dạ khi đang đói để tiếp tục những chuyến du ngoạn quanh thành phố.
Về cơ bản, bánh tráng nướng gồm trứng, hành lá, nhưng để cho món ăn hấp dẫn hơn và phù hợp với nhiều đối tượng khách, nhất là trẻ em, người chủ có thể thêm một số nguyên liệu để món ăn hấp dẫn hơn. Tại điểm du lịch “ Biệt thự Hằng Nga” trên phố Huỳnh Thúc Kháng, một phố nhỏ, yên tĩnh, xế cửa điểm du lịch, cũng có một hàng bánh tráng nướng ngồi ở ven đường. Tranh thủ khi đang chờ mua vé vào khu biệt thự, tôi rẽ sang quán hàng để thưởng thức những món ăn đang bốc hơi nghi ngút.
Không chỉ bán bánh tráng nướng, hàng này còn bán cả một số loại bánh khác và đồ uống là những cốc sữa đậu nành nóng. Chị Nguyễn Thị Trâm, chủ gánh hàng rất ngại ngùng phỏng vấn vì theo chị tâm sự : Làm thì dễ nhưng nói rất khó. Đôi tay của chị thoăn thoắt tráng bánh, rán bánh khoai, bánh chuối…Cái hay theo như chị tiết lộ là phải nướng làm sao để bánh chín giòn đều mà không bị cháy. Muốn vậy phải xoay tròn đều chiếc bánh trên vỉ nướng. Để món ăn ngon, bổ dưỡng hơn mà theo sở thích của nhiều du khách, chị Trâm sáng tạo cho vào bánh thêm một số nguyên liệu khác. Chị Trâm chia sẻ: “ Đây là đặc sản của Đà Lạt: cho tôm khô, xào, dầu hành phi, xào xong cho bột ngọt. Món này nhiều dầu mới ngon, giòn, ít dầu ăn sẽ bị khô. Ăn cho thêm bò, xúc xích, pho mai, đầy đủ. Còn bình thường thì ăn bánh tráng hành không thôi”.
Làm liên tục, chị Trâm không thể nói cách làm mà thực khách có thể tự theo dõi cách làm. Trong vòng 2, 3 phút, khi phần trứng trên mặt bắt đầu chín vàng, dậy mùi của cả xúc xích, bò, phết thêm phomai lên trên cho bánh càng hấp dẫn, béo ngậy. Sau khi chế biến xong chiếc bánh, chị Trâm tiếp tục trò chuyện về các gia vị ăn kèm với bánh:“Đà lạt mát ăn lúc nào cũng được, Ăn thì chấm tương ớt, tương me thôi. Thích mình cuộn lại, không thì tráng rồi cắt ra. Món ăn vặt hè phố.Nói chung là khách thì tùy, khách nước ngoài cũng ăn. Ăn phải có vị cay cay ăn cũng ngon”.
Đúng như chị Trâm tâm sự, đây là món ăn hè phố, ăn vặt và những chiếc bánh nóng hổi dường như ngon hơn trong tiết trời mát mẻ của thành phố Đà Lạt. Cắn một miếng bánh tráng nướng giòn rụm, với hương thơm của trứng, tôm, hành, cái béo ngầy ngậy của phomai kèm thêm vị cay cay chua chua của tương ớt, tương me, du khách một lần thưởng thức khó quên. Tuy chỉ là một món ăn chơi, nhưng du khách khi tới với thành phố ngàn hoa đều không quên thưởng thức. Ăn rồi thì khó có thể quên hương vị của món ăn, món quà của người dân Đà Lạt dành tặng khách phương xa. Nếu có dịp tới với Đà Lạt, đừng quên dừng chân tại một quán nhỏ ven đường, thưởng thức bánh tráng nướng, bánh tráng trộn cùng một số món ăn vặt khác của vùng đất này.