- Nhưng... làm sao mà lão ra được? Lão vượt ngục ư? Hay lão được ăn xá?
- Bà muốn gọi là ân xá cũng được.
Đôi lông mày rậm đốm bạc của lão xoắn vào nhau như thế lão phải cố gắng chật vật mới chắp nối được các chữ thành câu.
- Vào năm 64, khi Sơmơn tiến quân qua, tui đang ở nhà tù Milijvil như tui vẫn ở đó suốt bốn chục năm. Bấy rờ, quản ngục mấy gọi tất cả bọn tù lại và biểu là quân Yanki đang đến, đang đốt nhà và giết người. Nếu có gì tui căm ghét hơn cả bọn nichgơ hoặc lền bà thì đó là bọn Yanki.
- Tại sao? Lão đã... lão đã quen biết người Yanki nào chưa?
- Chưa. Cơ mà tui đã nghe nói về bọn chúng. Tui nghe nói chúng không bao rờ có thể chịu yên không dính vào chuyện của người khác. Chúng đến Giogia, giải phóng bọn níchgơ, đốt nhà của chúng ta và giết gia súc của chúng ta để làm gì cơ chứ? Thế, tay quản ngục biểu quân đội đang rất cần thêm lính và ket nào trong bọn tui nhập ngũ thì hết chiến tranh sẽ được tự ro... nếu lúc bấy rờ còn sống. Song bọn tui là tù chung thân... những tên sát nhân, tay quản ngục biểu là quân đội không cần bọn tui. Bọn tui bèn biểu tay quản ngục là tui không rống như phần lớn tù chung thân. Tui bị tù chỉ vì giết vợ tui mà mụ í thì cần phải giết. Và tui muốn đánh yanki. Và tay quản ngục thông cảm, lén đưa tui ra mấy các tù nhân khác.
Lão ngừng lại hầm hừ.
- Hừ. Thực là nực cười. Người ta bỏ tui vì giết người, và người ta thả rui ra tự ro với một khẩu súng trong tay để giết người thêm nữa. Lại được là một người tự ro với một cây súng trong tay, quả thật là tốt đẹp. Bọn tui, đám tù ở Militjvli, đánh cừ, giết giặc hung... và bọn tui giết cũng lắm. Không có một ai đảo ngũ, theo tui biết. Và khi có cuộc đầu hàng thì bọn tui được tự do. Tui thì mất cái chưn nầy, con mắt nầy. Cơ mà tui chẳng tiếc.
- Ồ, Xcarlett thốt ra yếu ớt.
Nàng cố nhớ lại những gì nàng đã nghe kể về việc thả các tù nhân ở Militjvil trong cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Liên bang nhằm chặn đợt sóng tiến công của quân đội Sơmơn. Kỳ Nôel 1864, Frank đã nhắc đến chuyện đó. Chàng đã nói những gì nhỉ? Nhưng những hồi ức của nàng về thời gian ấy quá lộn xộn. Nàng lại cảm thấy nỗi kinh hoàng điên dại của những ngày đó, lại nghe thấy tiếng đại bác bao vây, lại trông thấy đoàn xe ròng ròng máu rớt xuống những con đường đất đỏ, lại thấy đoàn vệ binh địa phương lên đường, đám thiếu sinh quân như Phil Mid và những ông già như bác Henri với cụ cố Meriuêzơ. Và đám tù nhân cũng ra đi để chết trong buổi hoàng hôn của liên bang, để rét cóng trong mưa tuyết của chiến dịch cuối cùng ấy ở Tennixi.