Các nhà sử học khẳng định hoàn toàn sai lầm (chỉ vì các hậu quả đã không biểu lộ cho hoạt động của Napoléon) rằng lực lượng của Napoléon bị suy yếu trong thời gian ở Moskva. Hồi ấy cũng như trước kia và sau này vào năm 1823, Napoléon đã vận dụng hết tài năng và sức lực của mình để đem lại thắng lợi tối đa cho bản thân ông ta và quân đội ông ta. Hoạt động của Napoléon hồi ấy cũng kỳ diệu như hồi ở Ai Cập, ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ta không được biết chính xác cái thiên tài của Napoléon đã biểu lộ cụ thể như thế nào ở Ai Cập, nơi mà bốn mươi thế kỷ chiêm ngưỡng sự vĩ đại của ông ta(1), vì ta chỉ được biết những chiến công vĩ đại đó qua những lời miêu tả của người Pháp, ta không còn cách nào phê phán cho đúng đắn về cái thiên tài của ta ở áo và ở phổ, vì phải rút những tài ltệu về hoạt động của ông ta từ những sách vở của Pháp và của Đức, và việc làm cho các quân đoàn nộp vũ khí mà không tốn một viên đạn và các pháo đài hàng phục mà không cần vây hãm, tất phải khiến cho người Đức có xu hướng thừa nhận thiên tài của ông ta - vì đó là cách giải thích duy nhất có thể dùng cho cuộc chiến tranh diễn ra ở Đức. Nhưng chúng ta thì nhờ trời không việc gì phải thừa nhận thiên tài của ông ta để chữa thẹn chúng ta đã giành được quyền nhìn thẳng vào sự việc một cách đơn giản, và chúng ta sẽ không nhường bỏ cái quyền đó.
Về phương diện quân sự, ngay khi tiến vào Moskva, Napoléon đã ra nghiêm lệnh cho tướng Sebastien theo dõi những cuộc vận chuyển của quân đội Nga, điều các lữ đoàn đi toả ra các nẻo đường và ra lệnh cho Mura phải tìm cho ra Kutuzov.
Napoléon, con người thiên tài, đã làm việc ấy. Nhưng nói rằng Napoléon làm cho quân đội mình tiêu vong là vì ông ta muốn hay là vì ông ta rất ngu xuẩn thì cũng sai như nói rằng Napoléon mang quân đội đến tận Moskva vì ông ta muốn thế và vì ông ta rất thông minh và thiên tài. Chẳng qua là trong cả hai trường hợp, hoạt động cá nhân của mỗi người lính, đã phù hợp với những quy luật chi phối hiện tượng đang xảy ra.