Quan hệ giữa tự do và tất yếu tăng hay giảm tuỳ theo quan điểm của người ta khi quan sát hành động, nhưng quan hệ này bao giờ cũng là một tỷ lệ nghịch.
Một người sắp chết đuối bám vào một người khác và kéo người ấy chết theo mình; một bà mẹ đói, mệt mỏi vì cho con bú, ăn trộm thức ăn; một người quen kỷ luật, đứng trong hàng ngũ tuân theo mệnh lệnh cấp trên giết một người khác không có khả năng tự vệ, và những người có vẻ nhẹ tội hơn, nghĩa là dưới mắt một người không biết họ đang ở trong những điều kiện như thế nào thì họ ít tự do hơn và phải phục tùng luật tất yếu nhiều hơn, trái lại dưới mắt một người không biết người kia sắp chết đuối, rằng bà mẹ kia đang đói lả, rằng người binh sĩ kia đang ở trong hàng ngũ v.v. thì họ lại có nhiều tự do hơn. Cũng đúng như vậy, một người cách đây hai mươi năm đã phạm tội giết người và từ đấy ở trong xã hội vẫn sống một cuộc đời phẳng lặng không hại đến ai, cũng có vẻ nhẹ tội hơn, dưới mát người xét xử hành động của anh ta sau hai mươi năm, hành động anh ta dường như tuân theo quy luật tất yếu nhiều hơn, trái lại hành động ấy có vẻ tự do hơn đóí với người xét xử nó mộ ngày sau khi nó xảy ra. Về những hành động của một người điên, một người say rượu hay một người bị kích động mạnh, vấn đề cũng như vậy được. Đối với người nào biết rõ trạng thái thần kinh của họ, thì hành động của họ có vẻ ít tự do hơn và lệ thuộc vào tất yếu nhiều hơn, nhưng đối với những người không biết điều đó thì hành động của họ lại có vẻ tự do nhiều hơn và ít tất yếu hơn. Trong tất cả những trường hợp này, khái niệm tự do tăng hay giảm, và khái niệm tất yếu cũng theo đó mà giảm hay tăng là tuỳ theo quan điểm của người xét xử hành động. Kết quả là tính tất yếu càng lớn thì tự do càng ít đi và ngược lại.
Trong mỗi hành động được khảo sát, ta đều thấy có một phần tự do và một phần tất yếu. Và bao giờ cũng vậy, trong bất kỳ hành động nào, ta càng thấy nó có nhiều tính tự do thì lại càng thấy có ít tính tất yếu và ngược lại ta thấy phần tất yếu nhiều thì phần tự do càng ít đi.