. Quan hệ giữa con người đã hành động với thế giới bên ngoài.
2. Quan hệ giữa con người đó với thời gian.
3. Quan hệ giữa con người đó với những nguyên nhân đã gây nên hành động.
1. Căn cứ thứ nhất là quan hệ mà ta thấy rõ được ít nhiều giữa con người và thế giới bên ngoài, là một khái niệm rõ rệt đến một mức độ nào đấy về vị trí nhất định của mỗi người đối với tất cả những gì cùng tồn tại đồng thời với nó. Chính vì xuất phát từ căn cứ này cho nên hiển nhiên người sắp chết đuối là ít tự do hơn và phải phục tùng tất yếu nhiều hơn so với người đứng trên đất liền, và hành động của người sống liên hệ chặt chẽ với những người khác trong một khu vực dân cư đông đúc, hành động của một người gắn liền với gia đình, với công việc, với chức vụ mình hiển nhiên, là có vẻ ít tự do hơn và phục tùng tất yếu nhiều hơn so với hành động của một con người cô đơn và độc thân.
Nếu ta khảo sát con người một cách đơn độc ở ngoài những quan hệ của nó với ngoại cảnh, thì ta có cảm giác mỗi hành động của nó đều tự do. Nhưng nếu ta tìm thấy mối quan hệ nào đó giữa con người với ngoại cảnh, nếu ta nhìn thấy những mối liên hệ ràng buộc con người với bất kỳ cái gì, với một người đang nói chuyện với nó, với quyển sách nó đang đọc với công việc nó đang làm, thậm chí với không khí bao quanh nó và cả ánh sáng chiếu trên các vật nó đang nhìn thì ta sẽ thấy rằng mỗi điều kiện này đều ảnh hưởng đến nó và ít nhiều đều chỉ huy một mặt nào đấy trong hoạt động của nó. Và ta càng nhận thức được những ảnh hưởng này thì quan niệm của ta về quyền tự do của nó càng bớt đi, và ta cảng cảm thấy nó phục tùng sự tất yếu.
Tất cả các trường hợp, không trừ một trường hợp nào, trong đó quan niệm của ta về tự do và tất yếu tăng hay giảm, đều chỉ căn cứ trên ba điều: