Khái niệm về hostel không tồn tại thời Liên Xô, khi khách du lịch chỉ ở những khách sạn quốc doanh lớn. Những nhà ở tập thể công cộng với những điều kiện sinh hoạt cực kỳ cơ bản không phải dành cho khách du lịch mà dành cho sinh viên hoặc công nhân di trú.
Do sự hạn chế visa, Nga có tương đối ít khách du lịch độc lập và ý tưởng về mô hình nhà nghỉ có điều kiện sinh hoạt cơ bản, giá rẻ phải mất một thời gian mới ra đời.
Hostel đã cung cấp thêm một chỗ ở lý tưởng ở thành phố Mátxcơva, nơi giá phòng khách sạn thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, trung bình khoảng 149 bảng Anh (243 USD) năm 2010. Trong khi đó, giá phòng trung bình ở Dubai là 120 bảng và ở London là 114 bảng, còn ở thánh địa du lịch Prague, giá phòng trung bình chỉ 67 bảng.
Ông Gurgen Mkrtchyan, thuộc Ủy ban du lịch thành phố cho rằng, hostel sẽ thúc đẩy du lịch, đặc biệt khi nó đến với những khách du lịch độc lập, giới trẻ và sinh viên. Nhưng ông lưu ý, hostel vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, vì vậy, chỉ có thể cung cấp số phòng nghỉ hạn chế với khoảng 2.600 giường.
Bất chấp các hostel mọc lên như nấm, du khách vẫn có ít sự lựa chọn đối với những khách sạn giá trung bình ở trung tâm thành phố Mátxcơva, vốn là nơi độc quyền của các khách sạn bốn và năm sao.
Theo Anton Melnikov thuộc Knight Frank, hiện vẫn thiếu những khách sạn giá trung bình, và cho rằng đó là do giá đất cao. Ông nói: "Những khách sạn loại này sẽ phát triển, nhưng không phải ở trung tâm thành phố."
Ông Melnikov cho biết: "Ở Amsterdam, Brussels hay London, bạn có thể tìm được khách sạn giá rẻ ở trung tâm, nhưng ở Mátxcơva, điều này là không thể."