Theo Đài RFI, từ ngày 12/9 tới nay, các cuộc tuần hành đã liên tiếp diễn ra trên khắp các đường phố của Hungary.
Theo tin từ giới công đoàn nước này, ngày 1/10 đã có khoảng 50.000 người tham gia biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu công và chính sách khắc khổ vừa được chính phủ nước này ban bố.
Khủng hoảng kinh tế, cắt giảm an sinh, thắt lưng buộc bụng, lương kém cỏi… là những lý do chính châm ngòi cho làn sóng biểu tình diễn ra trong ba ngày qua ở thủ đô Budapest và sẽ còn diễn ra đồng loạt, vô thời hạn tại Hungary trong mùa Thu năm nay.
Các nghiệp đoàn tại nước này bắt đầu tổ chức biểu tình từ hôm 12/9, đúng vào thời điểm Quốc hội họp phiên đầu tiên sau Hè, song đỉnh điểm của các hoạt động phản đối chính phủ được ấn định là từ hôm 29/9, được gọi bằng cái tên "D-Day," ám chỉ cuộc đổ bộ Normandy của quân Ðồng minh hồi năm 1944.
Theo các nhà tổ chức, đây không đơn thuần chỉ là một cuộc biểu tình, mà là phần "dạo đầu" của một chuỗi các cuộc đình công và biểu tình để tranh đấu cho nền dân chủ, an toàn xã hội, cho các quyền con người và quyền của người lao động, mang thành quả đích thực đến cho người lao động.
Dự kiến, từ ngày 3/10 trở đi, các cuộc phong tỏa đường phố sẽ diễn ra liên tục và vô thời hạn tại nhiều tỉnh thành trên toàn Hungary. Vì làn sóng biểu tình được ấn định là vô thời hạn, không loại trừ khả năng nó sẽ kéo dài tới ngày 15/10, và nhận được động lực mới từ làn sóng phản kháng trên toàn châu Âu.
Trong khi đó, tại hai thành phố lớn nhất của Bồ Đào Nha, gần 200.000 người cuối tuần qua đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ nước này. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chính phủ mới lên cầm quyền.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Bồ Đào Nha, có khoảng 130.000 người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Lixbon và 50.000 người tại thành phố cảng Porto. Cuộc biểu tình có sự tham gia của nhiều viên chức nhà nước cũng như nhân viên kinh doanh tư nhân. Tuy nhiên, không có thông báo chính thức về số người biểu tình từ phía cảnh sát.
Người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ với nội dung phản đối tăng giá, cắt giảm dịch vụ y tế, phản đối sự can thiệp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cải thiện điều kiện lao động.... So với dân số Bồ Đào Nha, cuộc biểu tình này được coi là thu hút đông đảo người tham gia và đây là cuộc biểu tình đầu tiên của giới công đoàn Bồ Đào Nha kể từ khi chính phủ cánh hữu lên cầm quyền hồi tháng Sáu vừa qua.
Bồ Đào Nha là nước thứ ba, sau Hy Lạp và Ireland, nhận được gói cứu trợ tài chính 78 tỷ USD từ IMF và Liên minh châu Âu (EU). Đổi lại, Chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho can kết thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", trong đó có chương trình tăng thuế, nhất là đối với thị trường lao động, và tư nhân hóa các doanh nghiệp công cỡ lớn. Giới công đoàn chỉ trích chính phủ nhân bối cảnh khủng hoảng hiện nay để đưa ra những chính sách xâm phạm Luật Lao động và các thành quả xã hội.
Nhân dịp một hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh ngày 2/10, khoảng 35.000 người đã đổ ra các đường phố tại thành phố Manchester, Tây Bắc nước này, để biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách.
Cuộc biểu tình nói trên do Trung tâm Nghiệp đoàn (TUC) tổ chức. TUC nêu rõ: "Trung tâm tổ chức cuộc tuần hành và biểu tình này nhằm phản đối với những chính sách thảm họa như hạn chế lương, cắt giảm chi tiêu và tấn công các dịch vụ công - theo đó sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm điều kiện sống và trì trệ". Cảnh sát ước tính có khoảng 35.000 người tham gia cuộc biểu tình này, trong đó nhiều người giương cao biểu ngữ "Đoàn kết và Tranh đấu". Nhiều công chức nhà nước cũng tham gia cuộc biểu tình cùng với các nhà hoạt động cánh tả.
Chính phủ liên minh giữa Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron và Đảng Dân chủ Tự do đã cam kết cân bằng ngân sách của Anh trước năm 2015. Trong một thông điệp gửi người biểu tình, Ngoại trưởng William Hague nói: "Khoản tiền mà Chính phủ Công đảng trước đây hứa với các bạn chưa bao giờ tồn tại. Và chúng tôi có nghĩa vụ phải thông báo với các bạn sự thật này".