Hành vi phạm tội của Kiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền chiếm đoạt được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nên phải coi đây là phương tiện kiếm sống.
Có ý kiến nói bị cáo phạm tội có tính chất chuyên nghiệp nhưng ý kiến khác nói là không chuyên nghiệp.
Thấy nhiều người trên địa bàn huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có con em học xong các trường CĐ, ĐH nhưng chưa xin được việc làm nên Kiệm nảy sinh ý định làm tiền...
Lừa đảo nhiều người
Theo hồ sơ, mặc dù chỉ là thợ hồ nhưng Kiệm vẫn tự nhận có mối quan hệ thân thiết với những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước ở huyện và tỉnh. Ai có nhu cầu Kiệm sẽ giúp xin việc làm theo ý muốn nhưng phải chung một khoản tiền.
Nghe Kiệm nói vậy, nhiều người đã đến nhờ giúp đỡ. Cụ thể: Vào tháng 10-2010, anh B. đến nhờ Kiệm xin việc cho con vừa tốt nghiệp CĐ sư phạm. Kiệm nhận hồ sơ, hứa sẽ xin cho con anh B. vào dạy ở Trường Tiểu học Xuân Quang 1 và không quên nói anh B. phải chi 25 triệu đồng. Anh B. đồng ý và đưa trước 5 triệu đồng.
Cũng trong tháng 10-2010, Kiệm nhận xin việc cho con của chị V. vừa tốt nghiệp trung cấp với giá 20 triệu đồng và chị V. cũng đã đưa trước 10 triệu đồng.
Tiếp đó, từ tháng 4-2011 đến tháng 9-2011, Kiệm đã hứa xin việc cho sáu người khác, nhận hơn 142 triệu đồng. Những người nhờ Kiệm giúp đỡ đã chờ dài cổ nhưng không thấy tin tức gì nên làm đơn tố giác. Sau đó, Kiệm bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chưa rõ chuyên nghiệp hay không
Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng xác định Kiệm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Kiệm có thuộc trường hợp “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (là tình tiết tăng nặng định khung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 139 BLHS) hay không thì nảy sinh những quan điểm khác nhau.
Có quan điểm cho rằng hành vi của Kiệm tuy liên tục lừa đảo chiếm đoạt của tám người gần 157 triệu đồng, lần ít nhất là 5 triệu đồng nhưng việc chiếm đoạt tài sản không phải để làm nguồn sống chính hoặc lấy việc phạm tội làm nghề để sinh sống (bởi Kiệm có hai nguồn thu nhập chính là làm nghề thợ hồ và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp). Theo quy định tại Nghị quyết số 01 (ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao): “Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính”. Xét theo hướng dẫn trên, hành vi của Kiệm không có tính chất chuyên nghiệp.
Quan điểm khác lại cho rằng liên tục trong một thời gian dài, Kiệm dùng một thủ đoạn hứa xin việc để lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người với số tiền rất lớn để tiêu xài. Hành vi phạm tội của Kiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền chiếm đoạt được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nên phải coi đây là phương tiện kiếm sống. Do đó, không thể cho rằng Kiệm có làm nghề thợ hồ và có tham gia sản xuất thì không phải phạm tội có tính chất chuyên nghiệp...