VOV.VN - Trong cuộc sống, đôi khi một chuyện nhỏ hoá lớn và cũng có thể một chuyện lớn hoá nhỏ.
Điều quyết định sự “hoá” ấy là một kỹ năng sống đặc biệt: Sự cảm thông.
Tôi nhận được câu chuyện của một phụ nữ trẻ tên là Thu. Thu kể rằng, cô sinh ra và lớn lên ở Hà Tây. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô về nhận công tác ở một tỉnh miền núi, trở thành cô giáo vùng cao. Rồi Thu lấy chồng - một người đàn ông học thức, từng trải và rất yêu vợ. Cưới nhau được hơn 1 năm thì Thu sinh con.
Vì điều kiện rừng núi khó khăn, lại không có người thân thích, nên hai vợ chồng quyết định đưa con về quê ngoại trong thời gian Thu nghỉ đẻ. Tuy vợ chồng mỗi người một nơi, nhưng cả hai đều cảm thấy rất an tâm vì dù gì cũng đã có gia đình nhà ngoại đỡ đần, chăm sóc.
Thu có một người dì ruột khá lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Trong số mấy người em của mẹ thì Thu thương dì nhất. Dì tốt bụng mà số phận lại thật hẩm hiu. Đến thăm hai mẹ con Thu, dì cứ khóc mãi. Dì bảo: “Hai vợ chồng dì sống chẳng có con buồn lắm. Hay là hai mẹ con về nhà dì mà ở cho vui cửa vui nhà…”.
Thương cảnh vợ chồng dì cô quạnh, trống vắng, Thu quyết định đưa con về nhà dì ở, cũng là để thuận tiện cho việc mẹ Thu qua lại thường xuyên. Ở nhà dì, Thu cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái. Cả chú lẫn dì đều quý trẻ con nên Thu cũng được đỡ đần phần nào. Thế nhưng cũng chỉ được 2 tháng thì sinh chuyện.
Hôm đó cũng như mọi lần, vợ chồng dì đi làm hết, chỉ còn lại một mình Thu ở nhà với con. Đang loay hoay không biết làm sao để đưa con ra trạm y tế xã tiêm phòng thì chồng dì về. Thế là Thu nhờ chú chở đi luôn. Chỉ thế thôi mà khi hai chú cháu về, dì lại tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Dì không nói gì, nhưng cũng từ đó, dì thường hay để ý, xét nét Thu. Bữa cơm nào Thu nấu mà chú vô tình khen ngon là dì nói mỉa luôn: “Cháu nó làm thì cái gì mà chú chẳng khen ngon”.
Rồi có lần, chú kho thịt bị cháy, dì tưởng Thu làm, nên mắng. Khi chú bảo không phải lỗi tại Thu thì dì càng tức tối, vì dì nghĩ chú cố tình nhận thay để bênh vực Thu... Có lần, dì hỏi thẳng Thu: “Chú cháu mày đang qua mặt dì phải không? Không phải ruột thịt gì sao ông ấy lại tốt với mày như thế? Đã vậy, lúc nào cũng cứ xoắn xuýt lấy con bé con, cứ như là con của mình không bằng”.
Thu buồn lắm, thanh minh thế nào dì cũng chẳng thèm nghe. Đã thế, hôm chồng Thu về thăm hai mẹ con, không biết dì tỉ tê thế nào mà Thu thấy chồng có vẻ buồn buồn. Gặng hỏi mãi anh mới kể: “Dì bảo hình như Thu đang có thai thì phải. Dặn anh phải để ý em…” - Nói xong, anh cười, bảo rằng: “Anh tin tưởng vợ mình, em cứ yên tâm, đừng để ý làm gì!”.
Nhưng Thu không thể không để ý, ngay ngày hôm sau, cô bảo chồng đưa lên bệnh viện thị xã để kiểm tra, cho dù chồng cô đã nói đi nói lại là cô không cần phải làm thế, vì anh hoàn toàn tin tưởng ở cô. Nhưng cô thì lại muốn chứng minh sự thực, muốn bảo vệ danh dự cho chính mình, nên cô bắt anh phải chở đi bằng được. Kết quả là Thu không hề có thai.
Có nhiều kỹ năng sống mà người ta học được khi hậu quả đã không thể khắc phục. Nhưng kỹ năng cảm thông thì không bao giờ là quá muộn. Tôi tin là dẫu chuyện thử ADN đứa bé có thực hiện hay không thì lòng Thu cũng sẽ nhẹ nhàng, sự cẩn thận của ông xã, với Thu, sẽ là một chuyện nhỏ.
Gần đây, dì lại đánh tiếng với chồng Thu là: có khi đứa con mới sinh đó là của chú cũng nên, vì ngày trước, lấy chồng rồi mà Thu vẫn hay về quê chơi, thăm chú dì. Thu đau lòng lắm, cô không ngờ người dì mà bấy lâu nay cô luôn yêu kính, coi như mẹ ruột của mình giờ lại đối xử với mình độc ác như vậy.
Khi Thu hỏi chồng: “Anh có tin em không?” thì chồng Thu vẫn khẳng định: “Anh tin em, anh tin con bé nhất định là con của anh”. Trước mặt Thu thì vậy, thế nhưng sau lưng cô, anh lại kín đáo dò hỏi chỗ thử ADN. Biết được điều này, Thu bàng hoàng đau đớn. Thế là hết, ngay cả đến anh cũng không tin cô thì còn ai có thể tin cô được đây? Mẹ con cô sẽ lập tức rời khỏi nhà dì, đó là điều chắc chắn cô sẽ làm.
Nhưng còn với chồng thì sao? Cô sẵn sàng để anh mang con đi thử ADN, nhưng cô biết, đến lúc đó thì hạnh phúc gia đình cũng sẽ chẳng còn được như xưa, khoảng cách giữa anh với cô đang ngày một xa... Đọc bức thư của Thu, tôi hình dung người phụ nữ này đang cảm thấy vô cùng đơn độc, trong lòng cô chứa đầy sự oán trách. Cô oán trách người dì độc ác, oán trách ông chồng không đủ niềm tin… Và cô muốn nhận được sự đồng cảm của thính giả để xoa dịu nỗi tự ái của bản thân.
Đêm phát sóng câu chuyện đó, tôi nhớ mình đã lựa chọn ngẫu nhiên 10 ý kiến của thính giả. Thật bất ngờ! Không có ý kiến nào bày tỏ sự trách móc đối với dì và chồng của Thu.
Câu chuyện, qua tâm sự của Thu thật nặng nề. Song, khi tổng hợp ý kiến của thính giả, tôi bỗng thấy lẽ ra mọi sự chẳng phức tạp đến thế nếu như Thu biết cảm thông với những người thân thiết của mình. Có thính giả nói rằng, nếu như Thu cảm nhận được nguyên nhân gây nên sự thay đổi của bà dì, nếu cảm thông được sự trái tính trái nết của một người đàn bà thiệt thòi, có lẽ chị đã không để câu chuyện đi xa đến mức này.
Một nữ thính giả phân tích rằng: Thu nên rời ngôi nhà đó ngay từ khi có những dấu hiệu thay đổi đầu tiên ở bà dì. Bởi, người đàn bà không có con thì rất dễ sợ mất chồng. Nếu Thu đặt mình vào hoàn cảnh của dì mình, cô sẽ không trở thành mối lo lắng của dì, và sẽ không có chuyện xảy ra. Và ngay cả khi sự việc đã đến lúc khiến cho hai dì cháu bất hoà sâu sắc, thì nguy cơ rạn nứt tình cảm giữa vợ chồng Thu cũng sẽ không đến, nếu như Thu hiểu và cảm thông với tâm trạng của chồng… Những điều nếu như thường mang hàm ý tiếc nuối./.