Bogutsarovo, trước khi công tước Andrey đến ở, vẫn là một điền trang
không được các chủ nhân lưu tâm đến, và nông dân ở đấy cũng khác hẳn ở
Lưxye Gorư. Khác cả về giọng nói, cả về cách ăn mặc và cả về phong tục,
tập quán. Người ta gọi họ là dân thảo nguyên. Lão công tước thường khen họ
có sức chịu đựng dẻo dai trong lao động những khi họ đến Lưxye Gorư gặt
hái giúp hay đào ao đào hào, nhưng vẫn không ưa họ vì cái tính thô lỗ man
rợ của họ.
- Nhưng việc cải cách của công tước Andrey khi đến ở đây như lập nhà
thương, mở trường học: giảm địa tô đã không làm dịu bớt phong tục mà trái
lại còn tăng thêm những nét thô bạo trong tính cách của họ mà lão công tước
gọi là dã man. Trong đám dân này bao giờ cũng có những tin đồn đại mơ hồ,
khi thì đồn là người ta sắp biến họ thành lính cô-dắc hết, khi thì là người ta
sắp bắt họ theo một tôn giáo mới, khi họ lại nói đến những chỉ dụ của Sa
hoàng đến lời tuyên thệ với hoàng đế Pavel năm 1797 cho cho rằng ngay từ
dạo ấy Sa hoàng đã ra lệnh giải phóng họ nhưng lệnh này đã bị các trang chủ
ỉm đi, khi thì họ nói rằng trong bảy năm nữa, Piotr Fiodorovich
[203]
sẽ lên
ngôi, mọi người sẽ tự do và mọi sự sẽ đơn giản đến nỗi không còn có gì nữa
cả. Những lời đồn đại về chiến tranh, về Bonaparte và cuộc xâm lăng đối với
họ lẫn lộn với những khái niệm không kém mơ hồ về Ma vương phản Cơ
đốc, về ngày tận thế và về tự do tuyệt đối.