Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo “An ninh lương thực và biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương”, trong đó khuyến cáo chính phủ các nước khu vực Thái Bình Dương cần hành động ngay để đối phó với nguy cơ tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng tại đây trở nên trầm trọng hơn do những tác động của biến đổi khí hậu.
Theo ADB, khu vực Thái Bình Dương đã và đang chịu những tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, bao gồm xói mòn bờ biển ngày càng tồi tệ, lụt lội, hạn hán và bão gia tăng, khiến hoạt động sản xuất và sản lượng nông nghiệp giảm sút.
Nhà kinh tế cấp cao Mahfuzuddin Ahmed của ADB, tác giả bản báo cáo, nhấn mạnh: "Nhiệt độ tăng và thủy triều đang lên do biến đổi khí hậu có thể giảm nguồn cung cấp thực phẩm ở Thái Bình Dương. Đây là mối đe dọa không thể bỏ qua đối với hơn 10 triệu người ở các nước đang phát triển trong khu vực này”.
Ông Ahmed cho biết sản xuất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 45 năm qua tại các quốc gia Thái Bình Dương, trong khi dân số tại đây đang ngày một tăng. Ngoài ra, dòng người từ nông thôn đổ về đô thị tìm kiếm việc làm và đời sống tốt hơn cũng ngày một đông hơn, khiến các quốc gia Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều hơn vào thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Thực trạng này khiến các đòi hỏi tăng đầu tư cho nông nghiệp, phát triển, đào tạo kỹ năng và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các nước trong khu vực.
ADB cũng đã kêu gọi các quốc gia Thái Bình Dương đẩy mạnh sản xuất lương thực địa phương, nhất là những giống cây trồng có khả năng kháng lại sự biến đổi khí hậu như khoai môn, khoai lang và sắn. Các giống cây trồng và công nghệ sản xuất mới có thể giúp nông dân cải thiện các phương thức sản xuất truyền thống lạc hậu và năng suất thấp. Ngoài ra, quản lý tốt các vùng thủy sản ven biển cũng rất cần thiết để giúp người dân khu vực Thái Bình Dương chống trọi được với biến đổi khí hậu.