Sáng nay, ngày 16/9, rất nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố điểm chuẩn nguyện vọng 2 và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Dù đã qua hai lần chiêu sinh và đều lấy điểm rất thấp nhưng hàng loạt trường đại học, từ công lập đến ngoài công lâp đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Để lấp đầy, các trường buộc phải “vớt” thêm thí sinh ở nguyện vọng 3. Cơ hội đỗ đại học vì thế vẫn rộng mở với các thí sinh đã không may mắn trong cả hai nguyện vọng trước.
Trường công rộng cửa đón
Đại học Thái Nguyên đăng ký tuyển trên 5.100 chỉ tiêu ở cả hai hệ đại học và cao đẳng. Số chỉ tiêu lớn với đa số các ngành điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng trong danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 được trường công bố thì mới có khoảng 3.500 hồ sơ. Như vậy, để đủ chỉ tiêu cho năm học này, trường sẽ cần thêm khoảng 1.600 tân sinh viên. Khi thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 đã kết thúc thì trường chỉ còn có thể trông chờ vào nguyện vọng 3.
Còn một lượng chỉ tiêu lớn cho nguyện vọng 3 cũng là tình cảnh của Đại học Đồng Tháp. Trường tuyển trên 1.800 chỉ tiêu cho 26 ngành khác nhau ở hệ đại học và 646 chỉ tiêu cho các ngành ở hệ cao đẳng. Thế nhưng mới chỉ có trên 700 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, chưa được 1/3 nhu cầu. Khoảng 1.700 chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho thí sinh đăng ký.
“Đói” thí sinh nhất là những ngành thuộc khối sư phạm và xã hội. Ngành Công nghệ thiết bị trường học của Đại học Đồng Tháp chỉ có duy nhất 1 hồ sơ đăng ký. Các ngành sư phạm Vật lý và ngành Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiêp đều được 3 thí sinh, ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp chỉ có 2 em. Ngành sư phạm Lịch sử còn "ảm đạm" hơn vì chỉ có duy nhất 1 em dự tuyển.
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, do số lượng thí sinh đỗ nguyện vọng 1 quá thấp, có tới 12 khoa của trường phải tuyển nguyện vọng 2. Tuy nhiên, sau 20 ngày “treo biển”, không có một ngành nào đủ chỉ tiêu. Không ít ngành chỉ vài em đến học như ngành Triết có 4 em, ngành Lưu trữ học 9 hồ sơ, ngành Thông tin-Thư viện 7 hồ sơ… Tổng chỉ tiêu là 540 em nhưng trường chỉ nhận được sự ưu ái lựa chọn của 191 em.
Với sự thiếu hụt này, cơ hội để vào học các trường công lập ở nguyện vọng 3 của thí sinh là rất lớn.
Trường tư mòn mỏi chờ
Trong khi các trường công lập còn không tuyển nổi thí sinh thì với các trường dân lập, cánh cổng vào đại học còn giang rộng hơn nữa.
Năm nay, hầu hết các trường ngoài công lập đều rơi vào tình cảnh “đói” sinh viên khi nhiều trường công cũng chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trong khi đó, trường dân lập học phí cao hơn, lại không được xã hội trọng vọng bằng nên “lép vế” trong cạnh tranh. “Chúng tôi thực sự rất khó khăn,” ông Đặng Văn Định, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Chu Văn An than thở.
Trên website của mình, Đại học Chu Văn An đã phải dùng tới mẹo đánh đòn tâm lý khi đề mục “Đôi điều nhắn nhủ thí sinh nộp nguyện vọng 2 vào các trường đại học,” trong đó dẫn lời một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời báo chí về việc “nhóm ngành kinh tế: dưới 15 điểm cơ hội vào các trường đại học công lập bằng 0.”
Tuy nhiên, tình hình có vẻ cũng chẳng khá hơn được là bao khi trường chỉ có 136 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. So với số chỉ tiêu 1.400 (hệ cao đẳng 400 chỉ tiêu, hệ đại học 1.000 chỉ tiêu) thì con số này thật quá khiêm tốn. Như vậy, trường phải tuyển đến trên 1.200 chỉ tiêu nữa ở nguyện vọng 3.
Đại học Thành Đô năm nay cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu ái cho số lượng chỉ tiêu khá khổng lồ, lên tới 3.500 sinh viên, gồm 1.800 chỉ tiêu hệ đại học và 1.700 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Sau khi tuyển xong nguyện vọng 1, trường vẫn còn thiếu đến 3.370 chỉ tiêu và phải trông chờ vào việc tuyển nguyện vọng hai với mức điểm chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhưng tình hình vẫn rất "bi đát" khi chỉ có 140 thí sinh đầu quân cho trường đại học dân lập này. Trên 3.200 chỉ tiêu còn lại, Đại học Thành Đô sẽ phải “cầu cứu” ở nguyện vọng 3. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tuyển sinh nguyện vọng 1 và 2 của trường thì có thể thấy, lấp đầy chỉ tiêu là nhiệm vụ bất khả thi.
Tuy nhiên, việc các trường “khát” sinh viên, còn dư rất nhiều chỉ tiêu với mức điểm tuyển thấp đang tạo ra cơ hội rất lớn cho thí sinh còn đứng ngoài giảng đường trong việc xét tuyển nguyện vọng 3. Hàng chục nghìn cơ hội, ở cả trường công lập và dân lâp, trường danh tiếng và trường mới mở, đang chờ đợi các em lựa chọn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 từ ngày 20/9 đến hết ngày 10/10. Trong đợt xét tuyển này, các trường cũng sẽ phải cập nhật thông tin hàng ngày lên cổng thông tin điện tử của mình để thí sinh theo dõi. Giống như xét tuyển nguyện vọng 2, trong thời hạn 15 ngày, từ ngày 20/9 đến ngày 5/10, thí sinh cũng có quyền rút hồ sơ đã nộp vào trường này để nộp sang trường khác có cơ hội đỗ cao hơn.