Ngày 4/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 13 (AEBF 13) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Vientiane của Lào. Hơn 300 doanh nghiệp đến từ các nước châu Á và châu Âu, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực năng lượng, hậu cần, khai khoáng và ngân hàng đã tham dự.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn mạnh tầm quan trọng của AEBF lần này tiến hành vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây ra đã khiến kinh tế giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Thủ tướng Lào hy vọng rằng diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thảo luận và trao đổi ý kiến bổ ích, cùng tìm ra biện pháp thích hợp ứng phó với những thách thức và khó khăn nói trên nhằm phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới trên thế giới nói chung và ở hai châu lục Á-Âu nói riêng. Ông kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp Á-Âu tích cực trao đổi quan điểm và suy nghĩ một cách cụ thể, hợp lý mang tính xây dựng nhằm làm cho kinh tế, thương mại và đầu tư của hai châu lục phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Thủ tướng Lào Thammavong cũng đã giới thiệu chiến lược phát triển kinh tế của Lào cũng như những nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2012, những cố gắng giảm đói nghèo và đưa Lào thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển vào năm 2020. Thủ tướng khẳng định Lào sẽ tiếp tục hợp tác một cách xây dựng với các nước trong cộng đồng quốc tế để cùng phát triển, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng với những biện pháp và cơ chế đúng đắn, phù hợp để cùng giải quyết các vấn đề, thúc đẩy và khuyến khích quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai châu lục, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp châu Á và châu Âu chắc chắn sẽ thành công.
Với chủ đề "Chăm sóc Trái Đất vì kinh tế và kinh doanh bền vững ở châu Á và châu Âu", trong hai ngày 4-5/11, AEBF 13 sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như các xu hướng hiện nay và tương lai trong các mối quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa châu Á và châu Âu, triển vọng tăng trưởng ở hai châu lục, điều hành tốt trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp vì thương mại và đầu tư thuận lợi ở hai châu lục, tiếp cận tài chính trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các thách thức đối với môi trường và an ninh lương thực, năng lượng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thị trường và kết nối giữa châu Âu và các tiểu vùng của châu Á mà trọng tâm là tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
Những kiến nghị của diễn đàn lần này sẽ được đệ trình lên Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9).