Hội nghị doanh nghiệp châu Âu - Trung Quốc lớn nhất châu Âu với chủ đề "Hội nghị Cấp cao Hambourg: Trung Quốc gặp châu Âu" đã khai mạc ngày 29/11 tại thành phố Hamburg của Đức.
Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham dự của giới lãnh đạo chính trị, kinh tế và học giả, thảo luận các vấn đề quan trọng trong sự hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới.
Trọng tâm hai ngày làm việc của hơn 400 đại biểu đến từ 17 nước là các chủ đề như vai trò của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong nền kinh tế toàn cầu, quan hệ thương mại châu Âu - Trung Quốc, vấn đề cung cấp nguyên liệu thô, tự do hóa đồng Nhân dân tệ cũng như các quan niệm mới về "thành phố thông minh."
Phát biểu trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Trung Quốc Vạn Cương khẳng định sự phát triển của quan hệ hợp tác Trung Quốc - châu Âu đã mang lại những kết quả quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, phục vụ lợi ích của nhân dân hai bên.
Ông nhấn mạnh bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ các nỗ lực của EU và lạc quan tin tưởng rằng châu lục này sẽ vượt qua được những thách thức. Bộ trưởng Vạn Cương khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Đức nói riêng và EU nói chung.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Georgios Papastamkos tuyên bố EU và Trung Quốc cần lẫn nhau và không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế bất ổn hiện nay. Ông khẳng định củng cố quan hệ đối tác chiến lược EU - Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nghị viện châu Âu.
Chủ tọa hội nghị, ông Nikolaus Schuees nhận định năm 2012 là một năm quan trọng đối với các nước châu Âu và Trung Quốc khi cả hai đều phải đối mặt với những thách thức lớn. Trong khi EU đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính thì Trung Quốc phải đối mặt với bài toán tăng trưởng thấp và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào dịch vụ̣.
Ông Fritz Horst Melsheimer, Chủ tịch Phòng thương mại Hamburg, cho rằng cuộc khủng hoảng tại châu Âu đang biến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp châu Âu trên thị trường thế giới và châu Âu sẽ phải đáp lại những thay đổi trong luật chơi này.
Hội nghị cấp cao Hamburg diễn ra hai năm/lần được Phòng Thương mại Hamburg khởi xướng và tổ chức lần đầu vào năm 2004 như một diễn đàn đối thoại mở giữa châu Âu và Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ kinh tế và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.