Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ ngày 29/11 thông qua dự luật bảo mật thư điện tử cá nhân.
Đây là được coi là hành động phản ứng sau vụ bê bối tình ái khiến Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus phải từ chức hồi đầu tháng này và kéo theo hàng loạt các vụ điều tra một số tướng lĩnh cấp cao, xuất phát từ những bức thư điện tử đe dọa.
Theo Chủ tịch ủy ban trên, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, trong bối cảnh người dân Mỹ đang đối mặt với nguy cơ không ngừng gia tăng từ công nghệ kỹ thuật số, dự luật này bổ sung cho một đạo luật về bảo mật thông tin cá nhân được ban hành năm 1986 hiện đã không còn phù hợp.
Dự luật mới yêu cầu các cơ quan chính phủ trong quá trình điều tra phải có trát của tòa mới được yêu cầu một bên thứ ba cung cấp các nội dung trao đổi trong hộp thư điện tử cá nhân của đối tượng bị điều tra, ngoại trừ các trường hợp đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải thông báo cho chủ nhân hộp thư điện tử khi khóa hộp thư và gửi cho người này một bản sao quyết định đó.
Dự luật này được thông qua đã nhận được những đánh giá tích cực từ dư luận trong nước. Đa phần các ý kiến nhận định đây là một bước tiến mang tính lịch sử trong vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người dân Mỹ.
Theo họ, văn kiện này giúp bảo mật các thông tin cá nhân, nội dung trao đổi thư điện tử, ảnh...hiện do các tập đoàn cung cấp các dịch vụ trên mạng như Google hay Facebook nắm giữ.
Theo luật bảo mật cá nhân năm 1986, các cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ có quyền mở các thư điện tử cá nhân được gửi trước thời điểm khám xét tối thiểu 6 tháng mà không cần tới trát của tòa.
Dự luật được xem là có liên quan tới vụ bê bối tình ái của tướng bốn sao, cựu Giám đốc CIA Pêtraớt, bị phanh phui khi người tình của ông này đã gửi thư điện tử đe dọa một người quen của ông.
Để chính thức có hiệu lực, văn kiện này phải được hai viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Barak Obama ký ban hành.