Ý của câu thành này là chỉ những lời nói vô căn cứ được lưu truyền trong xã hội, mà phần lớn là những lời gièm pha vu vạ, gây xích mích với người khác.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký -Liệt truyện Ngụy Kỳ Võ An Hầu".
Năm 154 trước công nguyên, người cháu của Đậu thái hậu triều nhà Hán là Đậu Anh do có công được Hán Cảnh Đế phong làm Ngụy Kỳ Hầu. Còn người em cùng mẹ khác bố với Đậu Anh là Điền Phân lúc này chỉ nhậm chức Lang Quan. Về sau, do Vương hoàng hậu thường xuyên khen ngợi Điền Phân trước mặt Hán Cảnh Đế, nên được nhà vua phong làm Võ An Hầu. Mấy năm sau, Đậu thái hậu qua đời, Đậu Anh bị thất thế, còn Điền Phân thì được phong làm thừa tướng. Bấy giờ, các quý tộc trong triều đều quay sang bợ đỡ Điền Phân, duy chỉ có tướng quân Quán Phu là vẫn giữ quan hệ mật thiết với Đậu Anh.
Năm 131 trước công nguyên, Điền Phân tổ chức lễ cưới con gái Yến Vương, các đại thần trong triều đều đến chúc mừng. Trong khi Điền Phân chúc rượu, đám tân khách đều tới tấp rời chỗ quỳ lạy dưới đất. Nhưng đến lượt Đậu Anh chúc rượu thì chỉ có mấy người rời chỗ, còn phần lớn quan viên đều tỉnh bơ như không. Tướng quân Quán Phu thấy vậy vô cùng tức giận, bèn lớn tiếng chê trách các đại thần. Điền Phân thấy Quán Phu lăng nhục khách của mình thì vô cùng tức giận, liền ra lệnh bắt Quán Phu cùng gia quyến giam vào ngục.
Đậu Anh xin Hán Cảnh Đế tha tội cho Quán Phu, nhưng Vương thái hậu lại thúc ép vua phải bênh vực Điền Phân, nên Hán Cảnh Đế đành phải bắt Đậu Anh.
Sau đó, Quán Phu bị xử tội chém cả họ. Đậu Anh nghe được tin này đã toan tuyệt thực tự sát. Nhưng sau đó lại có tin đồn nhà vua không có ý hại ông, nên lại ăn uống trở lại. Nhưng lúc này bên ngoài có khá nhiều lời bịa đặt vu khống Đậu Anh tới tấp truyền vào trong cung, Hán Cảnh Đế tin là thực liền ra lệnh sát hại Đậu Anh.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Lưu ngôn phi ngữ" để chỉ lời gièm pha sau lưng người.