Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Nam sử - Truyện Giang Yêm".
"Giang lang" là chỉ Giang Yêm, tự Văn Thông, một nhà văn thời Nam Triều TQ, ông người Khảo Thành triều nhà Lương. Từ nhỏ gia đình nghèo khó, đến tiền mua giấy bút cũng không có. Nhưng ông lại rất chăm chỉ học hành, sau đó không những làm đến chức Quang Lộc đại phu, mà còn trở thành nhà văn nổi tiếng, thơ văn của ông được người đời khẳng định và đánh giá cao.
Nhưng về sau, do tuổi tác nên tài viết lách của ông cũng dần dần suy giảm. Trước đây, mỗi khi ông viết gì thì nếp nghĩ cứ ào ạt như sóng cuộn triều dâng, tay bút như có thần khí viết ra những câu cú hay tuyệt vời. Còn hiện nay, lời thơ của ông thật vô cùng nhạt nhẽo. Mỗi khi cầm bút lên là phải nghĩ ngợi đến nửa ngày mà cũng chẳng viết được chữ nào. Thảng hoặc, có linh cảm viết được một hai câu thì lời lẽ cũng rất khô khan, cứng nhắc, chẳng có câu nào ra hồn cả.
Truyền rằng, có một lần Giang Yêm đến neo thuyền bên bờ sông gần chùa Thuyền Linh, đêm nằm mơ thấy một người tự xưng là Trương Cảnh Dương đến xin ông một dải lụa, ông liền đưa mấy mảnh lụa cho ông ta. Nên từ đó văn chương của ông không còn tuyệt vời như trước nữa.
Cũng có truyện kể rằng: Một hôm, Giang Yêm đang ngủ trưa trong đình hóng mát, thì nằm mơ thấy một người tự xưng là Quách Phát đến xin ông một cây bút và trách ông đã mượn bút của ông ta lâu lắm rồi. Giang Yêm bèn đem một cây bút năm màu trả lại cho ông ta, nên từ đó thi hứng của Giang Yêm đã vơi cạn, không còn viết được bài nào hay như trước nữa.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: " Giang lang tài tận" để ví với cảm hứng sáng tác văn thơ đã thoái giảm.