Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Đề Ô Giang đình" của Đỗ Mục triều nhà Đường.
Sau khi triều nhà Tần bị diệt vong, Hạng Vũ và Lưu Bang tranh nhau làm bá chủ thiên hạ, mà lịch sử gọi là "Cuộc giành giật giữa Sở Hán". Bấy giờ, Hạng Vũ và chú là Hạng Lương đã tổ chức một đội quân tinh nhuệ gồm hơn 8 nghìn đệ tử vùng Ngô Trung(tức Huyện Ngô, tỉnh Giang Tô ngày nay). Tám nghìn tinh binh này đều dũng cảm thiện chiến, sau đó dần dần phát triển thành một đội quân lớn mạnh.
Tình hình bấy giờ rất có lợi cho Hạng Vũ, nhưng vì Hạng Vũ quá chuyên quyền độc đoán lại ngạo mạn khinh địch, cuối cùng sa vào bẫy của đại tướng Hàn Tín ở Cai Hạ, bị thiệt hại chỉ còn lại 8 nghìn lính Giang Đông. Hạng Vũ liều chết phá vây chạy đến sông Ô Giang. Bấy giờ, mặt trước có sông ngăn lối, mặt sau có quân địch đuổi theo, tình hình vô cùng nguy cấp. Trưởng đình Ô Giang thấy vậy mới nói với Hạng Vũ rằng: "Giang Đông tuy hẹp, nhưng cũng là đất rộng nghìn dặm có thể xưng vương, nay tôi dùng thuyền đưa ông qua sông thì quân Hán đừng hòng đuổi kịp". Hạng Vũ từ chối rằng: "Đây cũng là trời muốn giết tôi, tôi làm sao có thể qua sông chạy trốn. Tôi dẫn 8 nghìn lính Giang Đông ra trận, nay chỉ còn mỗi mình tôi trở về, thì còn mặt mũi nào gặp mặt các bậc phụ lão Giang Đông". Hạng Vũ nói xong bèn đem con ngựa Ô Truy của mình tặng cho trưởng đình, sau khi liên tiếp chém chết mấy chục tên quân Hán, liền nhảy xuống sông tự tử, bấy giờ Hạng vũ mới có 31 tuổi.
Về sau, khi nhà thơ Đỗ Mục triều nhà Đường đến ngoạn cảnh trên sông Ô Giang, ông tỏ ra tiếc thay cho Hạng Vũ và cho rằng, nếu Hạng Vũ chịu lên thuyền qua sông, biết đâu còn có ngày đánh trở lại. Ông đã đề một bài thơ trên đình Ô Giang trong có hai câu: Giang Đông tử đệ đa tài tuấn. Quyển thổ trùng lai vị khả tri.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu: "Quyển thổ trùng lai", để chỉ hiện tượng làm lại công việc sau lần bị thất bại.