Ý của câu thành ngữ này là chỉ Đình đài lầu các treo lơ lửng trên không trung. Về sau người ta hay dùng nó để ví với sự mơ tưởng hão huyền, hoặc những điều hư cấu thoát ly thực tế. Nhưng cũng có thể dùng để ví với sự cao minh thông đạt.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Bách Dụ Kinh--Tam trùng lầu dụ".
Ngày xưa, có một tay phú nông rất giàu có, nhưng lại cũng rất đần độn, nên ông thường bị người ta chê cười.
Một hôm, khi ông đến thăm một nhà giàu khác tại địa phương, thấy nhà này vừa mới xây một ngôi lầu ba tầng vừa cao vừa sáng sủa, thì máu tị nạnh của ông lại nổi lên, nghĩ bụng: Ta và hắn đều là người có tiền, làm sao hắn lại có một ngôi lầu xinh đẹp như vậy mà mình không có, đây thật không còn ra thể thống gì nữa, mình cũng phải có một ngôi lầu như vậy.
Hôm sau, ông mời thợ mộc đến nhà rồi hỏi rằng: "Các anh có biết ngôi lầu ở làng bên do ai dựng không ?". Đám thợ mộc đều nói là do họ dựng. Phú nông này nghe vậy thì mừng quýnh nói: "Tốt lắm, tốt lắm, bây giờ các anh cũng dựng cho tôi một ngôi lầu ba tầng y hệt như vậy".
Sau đó, đám thợ mộc đã làm theo ý ông bắt đầu dựng nhà.
Mấy hôm sau, phú ông đến xem họ dựng nhà, ông ta ngó ngang, ngó dọc đến nửa ngày, trong lòng cảm thấy rất khó hiểu mới hỏi đám thợ mộc rằng: "Các anh đang làm gì thế này ?" Đám thợ trả lời: "Chúng tôi đang dựng ngôi lầu ba tầng theo như ý ông dặn".
Phú nông nghe vậy thì cuống lên nói: "Không đúng, không đúng, tôi mời các anh làm là làm tầng thứ ba, chỉ làm tầng trên cùng thôi, còn hai từng dưới thì khỏi phải làm, các anh hãy mau mau dỡ đi".
Đám thợ mộc nghe vậy đều cười phá lên: " Chỉ dựng tầng trên cùng thôi thì chúng tôi chịu, không thể làm được, ông tự dựng lấy vậy".
Hiên này, người ta vẫn thường dùng câu "Không trung lầu các" để ví với sự mơ tưởng hão huyền hoặc sự vật hư cấu thoát ly thực tế. Cũng có thể dùng để ví với sự cao minh thông đạt, nhưng điều này hơi hiếm thấy.
空中楼阁
Không trung lầu các