Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Chiến Quốc sách – Triệu sách".
Thời Chiến Quốc, khi nước Tần xâm lấn nước Triệu, Triệu Thái Hậu lúc đó đang chấp chính đã cử sứ giả sang cầu cứu nước Tề, nhưng nước Tề đặt ra điều kiện là phải đưa Trường An Quân - người con trai út của Triệu Thái Hậu sang làm con tin thì mới chịu cứu giúp. Các đại thần nước Triệu đều bày tỏ chấp nhận, nhưng dù họ khuyên thế thì Triệu Thái Hậu vẫn một mực không nghe. Về sau, lão thần Xúc Triết xin vào gặp Triệu Thái Hậu, Thái Hậu cho là ông già này lại đến khuyên mình đây nên nổi giận đùng đùng, khiến ai nhìn thấy cũng khiếp vía. Nhưng không ngờ Xúc Triết đi vào chẳng hề đả động gì đến việc con tin, mà chỉ hàn huyên với Thái Hậu về việc cửa việc nhà, nên cơn giận dữ của bà cũng dần dần lắng xuống.
Xúc Triết thấy vậy mới xin với Thái Hậu cho phép thằng con trai út mình vào làm thị vệ trong cung, đồng thời mong Thái Hậu chăm nom giúp. Triệu Thái Hậu hỏi Xúc Triết phải chăng thương yêu người con trai út này nhất, đồng thời nói mình cũng thương yêu thằng con trai út nhất. Nhưng Xúc Triết lại kiên trì cho rằng Thái Hậu cưng yêu cô con gái hơn con trai út. Ông phân tích rằng: " Thái Hậu vì thương yêu con gái nhất nên mới gả con sang nước Yến, rồi ngày đêm cầu trời phù hộ cho con sinh hạ được cháu trai để kế vị ngôi vua nước Yến, đó cũng là vì Thái Hậu lo cho lợi ích lâu dài của con gái. Còn Trường An Quân thì sao? Mặc dù Thái Hậu đã ban cho con rất nhiều tiền của, nhưng lại không tạo cho con một cơ hội lập công vì nước, như vậy sau này làm sao có uy danh để trở thành ông vua một nước, vì Thái Hậu chưa từng nghĩ tới tiền đồ của Trường An Quân, nên thần mới dám nói Thái Hậu thương yêu cô con gái hơn con trai là thế".
Thái Hậu cảm thấy lời nói của Xúc Triết rất có lý, bèn chấp nhận ý kiến của các đại thần tiễn Trường An Quân sang nước Tề làm con tin.