"Minh châu ám đầu" có nghĩa là báu vật nằm trên tay người không biết được giá trị của nó.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký – Lỗ trọng liên Châu Dương liệt truyện"
Thời vua Hán Cảnh Đế, do nhà vua chưa lập ngôi Thái tử, nên em trai vua là Lương Hiếu Vương đã cùng phe cánh của mình như Dương Thắng, Công Tôn Ngụy... bàn kế đoạt ngôi vua. Lương Hiếu Vương có một môn khách rất tài ba tên là Châu Dương, ông này từng nhiều lần khuyên Lương Hiếu Vương không nên tự chuốc vạ vào thân, do đó khiến Dương Thắng và Công Tôn Ngụy rất lo sự việc bị bại lộ, nên đã khuyên Lương Hiếu Vương bắt giam Châu Dương.
Châu Dương vào tù đã viết một lá thư cho Lương Hiếu Vương, trong thư kể về nhiều đại thần xưa nay bị bức oan, mà ông là một người trong số này. Thư viết: "Minh nguyệt châu và Dạ quang bích là báu vật quý hiếm trên đời, nhưng nếu ta vứt chúng trên đường, thì người qua lại sẽ xúm lại nhìn chứ không ai dám nhặt lên là cớ làm sao? Đó là vì họ không hiểu tại sao chúng lại bị vứt ở đó". Lương Hiếu Vương hiểu được hàm ý của câu nói này, nên đã tha cho Châu Dương.
Ít lâu sau, vua Hán Cảnh Đế nghe lời khuyên của Ái Áng đã nhanh chóng lập ngôi Thái tử, Lương Hiếu Vương vô cùng căm tức đã mật sai người thủ tiêu Ái Áng. Hán Cảnh Đế biết rất rõ Lương Hiếu Vương là người nấp sau vụ việc này, nên đã bức cung sát thủ phải khai ra kẻ chủ mưu. Lương Hiếu Vương sợ liên lụy đến mình đã bắt Dương Thắng và Công Tôn Ngụy tự sát, tuy vậy Hán Cảnh Đế vẫn không chịu bỏ qua việc này. Cuối cùng, Lương Hiếu Vương phải mời Châu Dương đứng ra giải quyết, sự việc mới coi như kết thúc.